Khi đồng euro được sử dụng để giành thế thượng phong
Trong giai đoạn này, châu Âu đang chao đảo với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về mối liên hệ của đồng euro đối với vận mệnh của xứ sở các vị thần cũng như tính thống nhất của liên minh lá cờ xanh.
Không còn là viên đường ngọt
Đồng euro ra đời với mục đích chủ yếu là tạo một sức mạnh đối trọng với đồng USD. Tuy nhiên, do có rất nhiều khác biệt và nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế quá lớn nên sự hòa nhập của các quốc gia thành viên trong Eurozone đã bộc lộ nhiều bất cập. Và Hy Lạp là một trong những điển hình như vậy. Theo tờ The New York Times, khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp leo thang trong những ngày gần đây, đồng tiền chung châu Âu đã vượt qua một giới hạn có thể làm tổn hại nó mãi mãi. Đó là khi những tranh chấp nợ của Hy Lạp với các nước châu Âu đã trở thành một cuộc đấu tranh để ở lại với đồng euro. Trước đây, người ta khó có thể tưởng tượng được một quốc gia sẽ phải rời bỏ đồng tiền này. Mục tiêu của châu Âu là thành lập một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” và những người sáng lập ra đồng euro mong đợi nó sẽ đóng một vai trò thúc đẩy trong quá trình trên.
Cách đây hai thập kỷ, một nhà lãnh đạo châu Âu đã từng phát biểu nhờ đồng euro, “chúng ta sẽ xây dựng một châu Âu của riêng mình”. Nhưng khi mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ bị đổ vỡ tháng trước, đồng euro không còn là “viên đường” ngọt ngào giúp củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong khối. Trong nhiều khía cạnh, nó đã trở thành “viên đạn”, thứ vũ khí mà mỗi bên muốn chiếm giữ để giữ thế thượng phong.
Các chủ nợ của Hy Lạp, hầu hết là các nước châu Âu, đang muốn nắm thế chủ động nhờ chiến thuật này. Nhận thức rõ rằng người Hy Lạp rất muốn ở lại với khu vực đồng euro, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra một viễn cảnh buộc Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone để gây áp lực buộc Chính phủ Athens phải thỏa hiệp. Tuy nhiên bản thân các nước châu Âu cũng rất lo sợ viễn cảnh trên bởi họ hoàn toàn nhận thức được việc ra đi của Hy Lạp có thể gây ra nhiều bất lợi cho đồng euro và nền kinh tế châu lục.
Những khoảng tối đằng sau đồng euro ở Hy Lạp
Các nhà phân tích đang đánh giá những thiệt hại tiềm tàng đối với đồng euro nói riêng và nền kinh tế châu Âu nói chung. Một Hy Lạp ra đi đầy hỗn loạn có thể gây rối loạn các thị trường tài chính và làm kìm hãm các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, euro sẽ không sụp đổ hoàn toàn. Hy Lạp chỉ chiếm có 2% GDP của khu vực đồng euro.
Mặc dù vậy, theo nhiều nhà phân tích, những ý tưởng quan trọng ẩn sau đồng euro như khả năng hợp tác và tính thống nhất trong lòng châu Âu đã phải chịu một cú đấm trời giáng. Nhà phân tích Jens J. Nordvig, tác giả của cuốn Sự sụp đổ của đồng euro cho rằng, “Thành thật mà nói, giấc mơ châu Âu đã chết bất kể điều gì sẽ xảy ra với Hy Lạp bởi vì giấc mơ đó chỉ là do tưởng tượng”.
Hồi giữa tuần, Hy Lạp đã đệ trình yêu cầu một khoản vay mới trong đó nước này bày tỏ thiện chí hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu của các chủ nợ. Tuy nhiên, thậm chí nếu như thỏa thuận đạt được và Hy Lạp vẫn nằm trong khu vực đồng tiền chung, những tháng vừa qua đã hoàn toàn làm hé lộ những nứt gãy ngay trong lòng eurozone.
Các nhà phân tích người Mỹ cho rằng, vấn đề của Hy Lạp đã cho thấy sự khác nhau giữa đồng euro với đồng USD. Ở Mỹ, nếu một vùng nào đó rơi vào khủng hoảng, nó sẽ không bị cắt bỏ khỏi phần còn lại của đất nước. Chính phủ liên bang thường hỗ trợ tài chính cho khu vực đó mà không gây ra bất cứ phản đối nào từ các vùng khác của nước Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang có thể đưa ra các khoản vay khẩn cấp cho các ngân hàng để ngăn cản sự sụp đổ của hệ thống tài chính ở đây.
Trong khi đó, ở châu Âu, quá trình giúp đỡ những quốc gia gặp khủng hoảng thường khó khăn hơn. Thực tế, Hy Lạp có nhận được một số hỗ trợ từ phần còn lại của châu Âu thông qua các gói cứu trợ hồi năm 2010 và 2013. Và Athens đã phải tuân thủ một số biện pháp thắt lưng buộc bụng theo như yêu cầu của các chủ nợ. Nhưng sau một vài năm đầy khó khăn, nạn thất nghiệp lên cao ngất ngưởng, gánh nặng nợ vẫn đè nặng lên vai, người Hy Lạp đã bỏ phiếu bầu ra một Chính phủ cánh tả hồi tháng Giêng. Họ không muốn phải đồng ý tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng” để nhận được các khoản viện trợ mới, để rồi sau đó lại phải sử dụng chúng để trả các khoản nợ đến hạn trong năm nay và năm sau.
Hiện nay, các ngân hàng Hy Lạp đang thiếu tiền euro, nên họ chỉ được phép cho rút rất ít tiền. Điều đó có nghĩa là Hy Lạp sẽ sớm phải giới thiệu một đồng tiền mới mà chắc chắn sẽ có giá trị ít hơn nhiều so với đồng euro. Nỗi sợ viễn cảnh này sẽ buộc Chính phủ Hy Lạp phải có nhượng bộ và đạt một thỏa thuận trước hạn cuối vào ngày mai khi các các nhà lãnh đạo châu Âu họp bàn về vấn đề của nước này.
Suy cho cùng đồng euro là một loại tiền tệ, là phương tiện trao đổi và lưu giữ giá trị. Nếu xét về ý nghĩa đó, nó đã đạt thành công xuất sắc. Nếu Chính phủ Hy Lạp muốn ở lại với Eurozone, họ sẽ phải cố gắng phải giữ vững lập trường sau khi các cử tri bày bỏ sự phản đối đối với những yêu cầu của các chủ nợ hôm chủ nhật tuần trước. Các cử tri muốn Chính phủ phải tìm ra cách giữ Hy Lạp ở lại với khu vực đồng tiền euro mà không phải đáp ứng tất cả những yêu cầu quá khắt khe của châu Âu. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu lại ít quan tâm đến thông điệp đó và trong những ngày tới họ sẽ sử dụng đồng euro để gây áp lực thêm đối với Athens.