Khi “hoa hồng” đa cấp trở thành trái đắng

Theo Võ Hồng - Lê Nam/ktdt.vn

Khi những “quả bóng” đa cấp phát nổ, trong đó, trường hợp Công ty Liên kết Việt lừa đảo tới hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, Thành phố, chiếm đoạt số tiền trên 1.900 tỷ đồng, dư luận mới giật mình về hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng.

Liên kết Việt làm giả Bằng khen của Thủ tướng và tự tổ chức trao tặng nhằm tăng uy tín trong mắt người dân. Nguồn: ktdt.vn
Liên kết Việt làm giả Bằng khen của Thủ tướng và tự tổ chức trao tặng nhằm tăng uy tín trong mắt người dân. Nguồn: ktdt.vn

Chỉ vì ham tiền lãi đầu tư cao cùng với sự thiếu hiểu biết của người tham gia, hàng chục ngàn người đã vay mượn, đổ tiền vào đa cấp để bị lừa đau đớn.

U muội vì đa cấp

Trong hơn 60.000 nạn nhân của Công ty Liên kết Việt, chủ yếu là cán bộ hưu trí, nông dân, tiểu thương, sinh viên. Phần lớn nạn nhân tham gia vào Liên kết Việt đều không biết đây là đường dây bán hàng đa cấp.

Tin tưởng Liên kết Việt là DN của Bộ Quốc phòng, hàng loạt nạn nhân đã lôi kéo, rủ rê người thân tham gia vào “tập đoàn đa cấp” Liên kết Việt mà không biết mình đã bị lừa.Khi tham gia mạng lưới Công ty Liên kết Việt, bà Nguyễn Thị Ngọc (56 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa nghỉ hưu. Bà tham gia vào Công ty thông qua một người bạn với lời mời chào đây là DN của Bộ Quốc phòng, làm ăn tin tưởng, có đầy đủ giấy tờ, tiền "hoa hồng" cao.

Vừa nghỉ hưu, đang nhàn rỗi nên bà nhận lời ngay. Khi tham gia vào Liên kết Việt, mỗi thành viên phải đóng tối thiểu 8,6 triệu đồng để mua một mã hàng. “Ban đầu, tôi mua 3 mã hàng với số tiền hơn 25 triệu đồng, không lấy sản phẩm. Theo quảng cáo, một mã hàng 8,6 triệu đồng, sau khoảng 5 năm được hưởng khoảng 400 triệu đồng, gồm cả tiền "hoa hồng", tiền thưởng, tiền lãi. Thấy tiền hoa hồng, tiền lãi cao nên tôi giới thiệu cơ hội cho người thân và bạn bè tham gia. Khi các lãnh đạo Liên kết Việt bị khởi tố, Công ty bị gắn mác lừa đảo, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ” - bà Ngọc chia sẻ.

Không những Liên kết Việt, mà hàng loạt DN bán hàng đa cấp biến tướng đã len lỏi vào từng ngõ ngách, nhà dân để mời chào, dụ dỗ tham gia. Chị Nguyễn Thị Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khi bị rủ rê, mẹ chị đã bị dính vào mua bán hàng đa cấp.

“Mẹ tôi từng là giáo viên, hơn 30 năm đứng trên bục giảng. Từ khi về hưu, bà rảnh rỗi nên tham gia mua bán hàng đa cấp. Có nơi bà mua hàng đồ gia dụng, với tờ rơi quảng cáo có cơ hội trúng 1 tỷ đồng, nơi thì mua đồ dùng của Hàn Quốc với quảng cáo trị bách bệnh, trong khi hàng hóa không hề rẻ. Đồ gia dụng mua về hầu như không có nhu cầu sử dụng, hoặc không sử dụng được, vậy mà hết lần này đến lần khác, bà vẫn gom tiền mua hàng, thậm chí đi vay thêm bạn bè. Địa chỉ bà gửi tiền mua hàng đồ gia dụng ở TP. Hồ Chí Minh, tôi tra trên mạng đây là địa chỉ hộp thư, không có tên công ty. Còn đồ dùng Hàn Quốc, bà đã mua đệm chạy bằng điện hơn 20 triệu đồng; bộ sản phẩm mền than, nệm trải giường 16 triệu đồng. Rồi nào là kem đánh răng, hồng sâm… Vừa được bà tặng sản phẩm mền than, tôi xem mác ghi là sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Kim Cương (phường 18, quận 4, TP. Hồ Chí Minh). Tìm hiểu trên mạng, tôi được biết đây là hình thức bán hàng đa cấp trá hình, từng bị cơ quan chức năng phát hiện, thu hồi sản phẩm và đang tiếp tục điều tra. Sản phẩm này được cơ quan chức năng xác định giá bán đắt gấp 10 lần so với giá trị thực. Cả gia đình tôi đã nhiều lần khuyên can mẹ nhưng không nổi. Bố mẹ tranh cãi, bất hòa xung quanh vấn đề này nhưng dường như bà vẫn bị u muội” - chị Mai chia sẻ.

Quản lý lỏng lẻo

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, đây là một dạng biến tướng của bán hàng đa cấp, hầu hết các DN này không quan tâm đến hàng hóa, chỉ huy động tài chính kêu gọi đầu tư nhiều mã hàng để được hưởng lãi suất cao.

Chiêu thức của các công ty đa cấp là núp dưới vỏ bọc mua bán hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào đó để hút vốn, thông qua các phiếu thu, đơn mua hàng. Điểm chung của hầu hết các đơn vị này là quảng cáo sai sự thật về sản phẩm và những khoản chi hoa hồng “khủng”.

Đối với trường hợp Công ty Liên kết Việt, trao đổi với báo giới tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 29/2), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau khi Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty vào ngày 15/7/2015.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty. Đồng thời, ban hành Quyết định xử phạt Công ty 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định 42/2014 và Thông tư 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Theo ông Hải, đầu tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với C46 - Bộ Công an và Công an quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan.

Sau đó, Cục đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan CSĐT - Bộ Công an điều tra vụ việc, Cục đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên kết Việt.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt. Tháng 2/2016, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc các công ty huy động vốn như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia đầu tư. Việc mua hàng, huy động vốn mà chỉ cấp phiếu thu, biên nhận thì pháp luật không thừa nhận. Đây chỉ là hình thức nhà đầu tư cho DN mượn tiền, và các phiếu thu, đơn đặt hàng chỉ có giá trị pháp lý đối với DN đó. Trường hợp DN mất khả năng chi trả, nhà đầu tư sẽ bị mất toàn bộ.

Với vụ án lừa đảo Liên kết Việt lên đến hàng ngàn tỷ đồng, liên quan tới hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, thành phố, cho thấy việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vẫn còn lỏng lẻo.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý cạnh tranh và sở Công Thương các tỉnh, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh đa cấp, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn các DN bán hàng đa cấp biến tướng.

1,4 triệu người tham gia bán hàng đa cấp


Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, đến hết năm 2015, cả nước có 67 DN được cấp phép bán hàng đa cấp, trong đó có 2 công ty đã chấm dứt hoạt động nên hiện còn 65 DN, trong đó 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2015, theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu toàn ngành đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2015 có 1,4 triệu người trở thành nhà phân phối với số tiền "hoa hồng" chi trả khoảng 2.100 tỷ đồng. Công ty Liên kết Việt và Thiên Ngọc Minh Uy từng là thành viên của Hiệp hội. Từ cuối tháng 12/2015, do vi phạm quy chế và điều lệ của Hiệp hội nên 2 DN này đã bị xóa tên.