"Nói không” với công ty kinh doanh đa cấp bất chính!
Hàng chục nghìn người (có thể nhiều hơn thế) đã và đang trở thành nạn nhân vì chiêu trò” lừa đảo của không ít công ty kinh doanh đa cấp. Dù đã có nhiều cảnh báo về kiểu kinh doanh đa cấp biến tướng thông qua hình thức “truyền miệng”, khích lệ “lòng tham" và “hứa hẹn” về sự giàu có, nhưng người dân vẫn cứ bị lừa một cách "nhẹ như lông hồng".
Kinh doanh theo phương thức đa cấp hay còn gọi là bán hàng trực tiếp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Kinh doanh đa cấp xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2003, sau thế giới 70 năm. Theo báo cáo của Hiệp hội Bán hàng đa cấp năm 2015, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 2000 sản phẩm.
Bên cạnh những công ty đa cấp kinh doanh đúng luật, thì những năm qua đã có hàng chục nghìn người trở thành nạn nhân vì “chiêu trò” kinh doanh của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến, Công ty Tâm mặt trời, Công ty Cộng đồng Việt, Công ty cổ phần đầu tư Xuyên Việt và Công ty Liên kết Việt.
Hành vi có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Liên kết Việt vừa bị phát giác, và theo cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thì số nạn nhân đã lên đến con số 60.000 người ở 27 tỉnh, thành phố. Bằng việc quảng cáo, thuyết trình không đúng thực tế về năng lực của công ty, về máy khử độc ozone và bốn loại thực phẩm chức năng, công ty đã thu được 1.900 tỷ đồng.
Những “chiêu trò” mà không ít công ty đa cấp thường thực hiện là: Ép người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Ép người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Ép người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.
Những “chiêu trò” trên đã bị pháp luật cấm, nhưng không ít công ty đa cấp vẫn thực hiện là do sự hiểu biết hạn chế của người dân cùng với sự cả tin vào hình thức đa cấp biến tướng thông qua “truyền miệng”, khích lệ “lòng tham và “ hứa hẹn” về sự giàu có.
Những ngày đầu, địa bàn hoạt động của các công ty đa cấp là ở các thành phố, thị xã lớn, nhằm mục đích lôi kéo người giàu, lôi kéo người người có quan hệ, ảnh hưởng trong các cơ quan và doanh nghiệp. Khi người thành phố tỉnh ngộ, các công ty đa cấp tràn về các tỉnh lẻ, vùng nông thôn để dụ dỗ, lôi kéo người nghèo.
Sau những vụ án lừa đảo được Công an phá án, Tòa án xét xử, dường như nhiều người dân bắt đầu kỳ thị với hình thức kinh doanh đa cấp. Thực ra, hình thức kinh doanh đa cấp không xấu, nó xấu là do những người lợi dụng hình thức kinh doanh này quảng cáo sai sự thật về doanh nghiệp mình lập ra, về sản phẩm mình kinh doanh để nhằm mục đích lừa đảo những người dân “nhẹ dạ cả tin”.
Không nên kỳ thị với hình thức kinh doanh đa cấp, nhưng phải sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật chuyên ngành (liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh, phạm vi kinh doanh và việc thanh, kiểm tra) để không có khoảng trống cho những lòng tham trỗi dậy. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất thật của kinh doanh đa cấp, cũng như các “chiêu trò” mà người dân không tỉnh táo sẽ thành nạn nhân.
Hiện một số tỉnh, thành phố đã lên tiếng “nói không” với các công ty đa cấp bất chính, thông qua việc giao cho cơ quan chức năng tiến hành những cuộc kiểm tra đột xuất, kết hợp với kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn đúng pháp luật. Hy vọng, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng quyết liệt với phong trào “nói không” với các công ty đa cấp bất chính, để không có thêm những vụ lừa đảo gây bức xúc xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế.