Khi khách hàng không phải là thượng đế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Qua sự kiện máy bay của Vietjet Air hạ cánh nhầm sân bay, nhìn sang nhiều lĩnh vực khác cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm một cách thô bạo - điều mà đáng ra không thể xảy ra ở một xã hội văn minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một câu chuyện hy hữu xảy ra cách đây vài ngày, đó là máy bay của Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air chở hành khách từ Hà Nội đến Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng lại hạ cánh ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngay sau đó Vietjet Air nhanh chóng đổ lỗi cho thời tiết. Cục Hàng không Việt Nam vào cuộc điều tra mới vỡ lở nguyên nhân sự việc là do nhầm sân bay chứ không phải do thời tiết. Cục Hàng không yêu cầu hãng này phải giải trình và có văn bản xin lỗi hành khách. Không thể chối cãi, cuối cùng Vietjet Air đã đình chỉ tổ bay.

Sau vụ việc của Vietjet Air thì tới Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hoãn chuyến bay 250 hành khách tới hơn 40 phút vì đợi một khách VIP, tức là khách quan trọng, mà không thông tin đầy đủ đến hành khách. Mặc dù Vietnam Airlines phản bác và Cục Hàng không sẽ vào cuộc điều tra nhưng việc chuyến bay bị chậm, có lúc bị hủy khiến hàng trăm khách hàng lâm vào cảnh vật vờ chờ đợi tại sân bay không phải chuyện hiếm. Điều đáng nói cách xử lý sự cố của hãng hàng không mới thực sự khiến người tiêu dùng bức xúc.

Cách đây chưa hẳn đã lâu, người ta vẫn nhớ những câu chuyện chéo ngoe, khi mời lên xe khách liên tỉnh hành khách là thượng đế, đến khi lên xe rồi, thượng đế trở thành tù nhân ăn cơm tù, bị bán dọc đường, thậm chí còn bị đẩy xuống đường. Hay câu chuyện không ít cửa hàng, doanh nghiệp chào mời khách mua hàng ngọt như mía lùi, nhưng mua xong lỡ bị hỏng, khách hàng khó mà đòi được bảo hành.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng hóa ế ẩm, sản xuất đình đốn như hiện nay, khách hàng phải được xem là tối thượng vì họ là người tiêu dùng, người cứu các doanh nghiệp. Nhưng khi điểm lại những lối hành xử xem thường thượng đế, người ta thấy ở đó có bóng dáng của những ông độc quyền, có hơi hướng bao cấp. Trong đó, các ngành bảo hiểm y tế, điện, nước… vẫn gây bức xúc cho người tiêu dùng vì mỗi lần tăng giá, cắt điện, cắt nước bất thình lình và không hợp lý. Lúc này, doanh nghiệp độc quyền trở thành thượng đế và người tiêu dùng chỉ còn biết cam chịu.

Đến đây, nhìn câu chuyện của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khi làm việc với Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Trước sự trì trệ và yếu kém của ngành đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phản ứng gay gắt với phát biểu: ngành đường sắt đang làm việc theo kiểu trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng. Ngành đường sắt muốn phát triển thì phải trải thảm đỏ mời chào khách hàng, chứ không phải tỏ thái độ độc quyền, bao cấp để chờ khách hàng tìm đến.

Nếu nhìn ra thế giới thì Nhật Bản đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt với những thương hiệu đẳng cấp và nổi tiếng như: Toyota, Yamaha, Honda, Sony… Các hãng này luôn coi chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng, coi sự an toàn và quyền lợi của khách hàng là yếu tố hàng đầu. Và khách hàng thực sự là thượng đế khi các hãng đầu tư rất  lớn cho mảng nghiên cứu và phát triển với mong muốn khách hàng có được những sản phẩm tốt nhất. Hãng Toyota sẵn sàng triệu hồi hàng triệu xe ô tô bị lỗi bộ phận nhỏ nhất để thay thế miễn phí cho khách hàng. Còn ở châu Âu, người tiêu dùng có sức mạnh to lớn khi họ có quyền mua hoặc  không mua sản phẩm, được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích nghiêm ngặt. Các Hiệp hội người bảo vệ tiêu dùng có sức mạnh thực sự chi phối và gây áp lực đáng kể đối với các doanh nghiệp trong việc thực thi quyền của người tiêu dùng.

Khách hàng là thượng đế chính là phương châm của xã hội văn minh;  xã hội bảo vệ người tiêu dùng; xã hội mà quan hệ mua bán không chỉ là quan hệ kinh tế  đơn thuần mà thấm đẫm tính nhân văn. Đây là tinh thần, là thông điệp của một xã hội công dân mà chúng ta cần hướng tới.