Khi ngân hàng tăng đầu tư trái phiếu

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Các ngân hàng thương mại (NHTM) đổ xô đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Theo chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực: "Đầu tư nhiều quá vào trái phiếu chính phủ cũng không tốt, bởi nguồn vốn tín dụng sẽ không chảy vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích".

Ngân hàng tiếp tục đầu tư và đầu tư quá nhiều vào trái phiếu. Nguồn: internet
Ngân hàng tiếp tục đầu tư và đầu tư quá nhiều vào trái phiếu. Nguồn: internet
Phóng viên: Theo ông, đây có phải là cách làm có lợi nhất trong bối cảnh các NHTM dư vốn, tín dụng tăng trưởng âm, lãi suất huy động giảm, lãi suất liên ngân hàng rơi nhanh...?

Không hẳn như vậy. Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây và có kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm. Tôi theo dõi, đa số kỳ hạn trúng vào 3 năm, Chính phủ huy động với mức lãi suất 7-8%/năm. Chính phủ có lợi một phần do đang là thời kỳ lãi suất thấp, nhưng không quá nhiều. Song đây là thời điểm thuận lợi cho Chính phủ khi huy động nguồn vốn từ trái phiếu.

Động thái này cho thấy sự lệch lạc về vai trò của hệ thống NHTM?

Dùng chữ "lệch lạc" thì hơi nặng bởi hệ thống ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp là bình thường bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất, theo quy định của NHNN, các NHTM phải đầu tư vào một số lượng tài sản có tính thanh khoản cao, trong đó có trái phiếu chính phủ.

Thứ hai, đây là hình thức để ngân hàng phân tán rủi ro, không đầu tư quá nhiều vào một lĩnh vực. Thứ ba, theo quy luật kinh doanh, người có tiền nhàn rỗi có quyền đầu tư vào bất cứ đâu và trái phiếu chính phủ cũng là một kênh.

Có rủi ro nào không từ việc các NHTM đầu tư vào trái phiếu chính phủ?

Trái phiếu chính phủ được các nước trên thế giới khẳng định là phi rủi ro. Doanh nghiệp hay NHTM khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì được coi là không có rủi ro ở nước mình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại nhìn mức độ rủi ro của mỗi nước khác nhau, đó là rủi ro chinh trị, rủi ro quốc gia. Với góc nhìn đó, Việt Nam có rủi ro khi căn cứ vào mức độ xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Hiện Việt Nam được xếp ở mức độ là BB, mức độ đó không thể có ổn định tốt như A của Mỹ hay AAA của Thụy Sĩ, thậm chí là BBB của Trung Quốc. Nhà đầu tư căn cứ vào đó để tính mức độ rủi ro đối với chính phủ của từng nước.

Tình trạng các NHTM đổ xô đầu tư vào trái phiếu ngày càng nhiều, theo ông, điểm gì đáng lưu tâm?

Ngân hàng tiếp tục đầu tư và đầu tư quá nhiều vào trái phiếu, trong bối cảnh cho vay thương mại bên ngoài không được, cho thấy tình hình hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu ớt. Như vậy, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cần giám sát, định hướng kịp thời hơn để các ngân hàng có những điều chỉnh đầu tư và cho vay hợp lý.

Thực tế, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng không muốn các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu quá nhiều mà muốn định hướng tín dụng vào những chỗ mà Nhà nước và Chính phủ ưu tiên. Theo tôi, các ngân hàng cần cân đối để không đầu tư vào đó quá nhiều bởi lãi suất không phải là hấp dẫn.

Ông nhận định như thế nào về mức độ rót vốn vào kênh trái phiếu của các ngân hàng hiện nay?

Theo số liệu mà chúng tôi có được, các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp không nhiều, xoay quanh 5-10% lượng vốn của ngân hàng, còn lại người ta vẫn phải dự trữ và cho vay tín dụng thương mại bình thường.

Việc các NHTM đầu tư vào trái phiếu chính phủ có bốn tác dụng cơ bản. Một là, tạo nguồn vốn cho chính phủ. Hai là, một hình thức tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Thứ ba, một hình thức để các NHTM đa dạng hóa danh mục đầu tư cho vay, ngoài cho vay truyền thống. Thứ tư, về lâu dài, nếu có chuẩn mực tốt và lãi suất của thị trường Việt Nam không bị méo mó, trái phiếu chính phủ chính là lãi suất định hướng thị trường.

Cảm ơn ông!