Kho bạc Nhà nước chủ động phối hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020
Lường trước những diễn biến khó lường của kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động các giải pháp, phối hợp và đề nghị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi tích cực tham gia đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP), để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020.
Theo KBNN, công tác huy động vốn là một trong những lĩnh vực KBNN có nhiều đổi mới trong thời gian gần đây. Hoạt động phát hành TPCP đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Tổng khối lượng huy động vốn trong giai đoạn 2015 – 2019 đạt hơn 1.269.217 tỷ đồng; kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu chính phủ từng bước được kéo dài từ 1,84 năm (năm 2011) lên 7,42 năm (năm 2019); lãi suất phát hành bình quân giảm dần từ 12%/năm (năm 2011) xuống còn 4,51%/năm (năm 2019), thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Công tác tổ chức phát hành được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, ngày càng minh bạch, theo nguyên tắc thị trường. Nhiệm vụ huy động vốn của KBNN đã gắn chặt với tái cơ cấu nợ của Chính phủ.
Kỳ hạn bình quân danh mục TPCP cũng từng bước được kéo dài từ 1,84 năm (năm 2011) lên 7,42 năm (năm 2019). Lãi suất phát hành bình quân giảm dần từ 12%/năm (năm 2011) xuống còn 4,51%/năm (năm 2019), thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Lãi suất thị trường TPCP từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn. Quy mô thị trường TPCP phát triển nhanh (gấp 12 lần so với năm 2009); đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm - mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và khu vực ASEAN +3.
Công tác phát hành TPCP được gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ theo hướng bền vững, an toàn và giảm thiểu rủi ro đảo nợ của NSNN. Khối lượng phát hành TPCP đã đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN; kỳ hạn giảm chi phí trả lãi cho NSNN; cơ cấu nhà đầu tư được cải thiện, giảm dần sự phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Thị trường cũng đã bước đầu có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (năm 2019, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ TPCP chiếm 6,1% dư nợ).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN, từ cuối năm 2019 đến nay, kinh tế trong nước và thế giới liên tục biến động do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác phát hành TPCP của KBNN theo đó cũng bị tác động. Mặt bằng lãi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh từ tháng 3/2020 do tâm lý lo ngại kinh tế khó phục hồi do dịch bệnh, đi kèm với giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp sụt giảm mạnh, các nhà đầu tư e ngại không muốn đầu tư TPCP dài hạn...
Lường trước những khó khăn, thách thức đó, trong hơn nửa đầu năm 2020, KBNN đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai phương án điều hành ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả; đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN.
Đồng thời, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020; giữ lãi suất TPCP không biến động tăng mạnh và ổn định thị trường, KBNN đã chủ động phối hợp và đề nghị BHXH Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi tích cực tham gia đấu thầu TPCP.
Nhờ đó, lãi suất phát hành TPCP không bị tăng đột biến, từng bước bám sát lãi suất giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp và KBNN tăng dần khối lượng vốn huy động đáp ứng nhu cầu chi của NSNN. Tính đến ngày 28/7/2020, KBNN đã thực hiện phát hành 154,68 nghìn tỷ đồng TPCP theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với BHXH Việt Nam, theo nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,41 năm, lãi suất bình quân 2,96%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).
Từ nay đến cuối năm 2020, KBNN tiếp tục tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN. Điều hành khối lượng phát hành TPCP phù hợp, đẩy nhanh tốc độ huy động vốn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn năm 2020 được Bộ Tài chính giao với mức lãi suất hợp lý, tiết kiệm chi phí vay cho NSNN.