Kho bạc Nhà nước chú trọng cải cách hành chính và hiện đại hóa công nghệ thông tin

Huy Nguyễn

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) không ngừng cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT) trên nhiều lĩnh vực. Với đích đến là Kho bạc điện tử, CCHC, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ vẫn sẽ là nhiệm vụ chủ đạo của toàn hệ thống KBNN trong giai đoạn phát triển mới.

Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Xác định công tác cải CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thời gian qua, hệ thống KBNN đã và đang từng bước đổi mới các nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh CCHC trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ đầu năm 2024, KBNN đã ban hành Kế hoạch CCHC và kiểm soát thủ tục hành chính trong toàn hệ thống KBNN; trong đó, phân công từng đơn vị các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch.

KBNN đã nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hướng tới việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống CNTT giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015...

Đáng chú ý, năm 2024, KBNN tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng đạt 99,91%, tăng 3,96% so với năm 2023 (95,85%). Đây là kết quả cao nhất kể từ khi thực hiện đánh giá vào năm 2021. Bên cạnh đó, với 8 chỉ số cụ thể đưa vào đánh giá, mức độ hài lòng đều cao hơn so với 2023; số lượng các đơn vị, bao gồm KBNN tỉnh, huyện, được đánh giá hài lòng trên 50% gấp hơn 2 lần.

Cùng với CCHC, hệ thống KBNN luôn quan tâm chú trọng đầu tư việc xây dựng hạ tầng CNTT là nền móng xuyên suốt của lộ trình phát triển. KBNN đã đẩy mạnh việc triển khai các dự án CNTT nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, trong đó, trọng tâm là các dự án: Hoàn thiện Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng CNTT có liên quan, hình thành hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); Xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN, tiến tới thay thế lưu trữ giấy truyền thống hiện nay bằng lưu trữ kế toán điện tử, giúp giảm chi phí hoạt động của KBNN; Nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu liên thông nghiệp vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Hệ thống KBNN đã triển khai thí điểm hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung, liên thông văn bản điện tử với các bộ, ban, ngành; Thí điểm quy trình về kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên cổng trao đổi dữ liệu. Đồng thời, tiếp tục mở rộng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách với các ngân hàng thương mại.

Song song với đó, KBNN cũng tiếp tục vận hành hệ thống Dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia vận hành Dịch vụ công trực tuyến; lượng hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước thanh toán qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trên 95%, đáp ứng thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách nhà nước tới các đối tượng thụ hưởng, các khoản chi an sinh xã hội, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong thời gian tới, cùng với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và hình thành Chính phủ số, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC toàn diện trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

KBNN cũng sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng hoạt động nghiệp vụ; hỗ trợ người sử dụng vận hành hệ thống; tổng hợp, hoàn thiện Đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống ứng dụng liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và VDBAS theo tiến độ.