Kho bạc Nhà nước Đắk Nông: Thành tựu sau 10 năm thành lập
(Tài chính) Cách đây mười năm, khi những cơn gió heo may từ phương Bắc tràn về, trong không khí lành lạnh cuối đông hoà quyện với những tia nắng yếu ớt của đầu xuân báo hiệu một năm mới sắp tới…, đây chính là thời khắc gợi lại cho chúng tôi biết bao kỷ niệm khó quên về những ngày đầu đi xây dựng quê hương mới Đắk Nông vào tháng 12/2003 theo yêu cầu điều động của cấp trên.
Thật vậy, những thành quả mà tỉnh Đắk Nông đạt được cũng như sự đổi mới, lớn mạnh diễn ra trong suốt 10 năm qua đã mang đến cho Đắk Nông một diện mạo mới, đang đà kiến thiết và phát triển mạnh mẽ trên cao nguyên M`Nông kỳ vĩ, đã tạo nên sự thu hút và ngạc nhiên của rất nhiều người. Ngày mới tái lập tỉnh, Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2, 6 đơn vị hành chính huyện, thị với dân số 363.118 người.
Là một trong những địa phương thuộc diện nghèo của cả nước, mặc dù có tiềm năng về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, song chưa được khai thác có hiệu quả. Về mạng lưới giao thông trong vùng tuy có thuận lợi như có Quốc lộ 14, Quốc lộ 28 đi qua nối liền các trục đô thị lớn như TP. Buôn Ma Thuột -Bình Dương- TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng- Bình Thuận..., thế nhưng lợi thế này chưa phải là động lực cơ bản để Đắk Nông phát triển.
Kinh tế của tỉnh Đắk Nông phụ thuộc hầu hết vào nông nghiệp, mức sống của người dân thấp; tình trạng đói nghèo chiếm tỷ lệ cao; lĩnh vực y tế, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ có trình độ. Hoạt động văn hoá, xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu của người dân, trong khi đó tình hình trật tự trị an trên địa bàn chưa thật sự ổn định. Nhìn chung, tình hình của tỉnh lúc bấy giờ là cực kỳ khó khăn, ngay cả địa bàn thị xã Gia Nghĩa là trung tâm đô thị mới của tỉnh cũng chỉ là một thị trấn nhỏ, hoạt động mua - bán chỉ diễn ra ở một phạm vi hẹp, hàng hoá thiếu thốn nhưng giá cả lại cao, dịch vụ chưa phát triển để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và các cơ quan hành chính của tỉnh đóng trên địa bàn thị xã.
Chính vì vậy, việc phác họa hình ảnh của Đắk Nông vừa đẹp về hình thức vừa đạt chất lượng về nội dung trong vài thập niên tới là vấn đề rất quan trọng, nhằm đánh thức được tiềm năng, tạo thế và lực mới vì mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, đảm bảo dân sinh, ổn định lâu dài và hướng tới xây dựng một Đắk Nông hiện đại, giàu đẹp trong tương lai. Đó là những câu hỏi lớn và cũng là nỗi trăn trở đối với các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Đắk Nông trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau một thập niên, thời gian chưa dài, song dấu ấn của sự khởi sắc của Đắk Nông sẽ dễ dàng nhận ra cho những ai đã một lần đặt chân đến vùng đất này, nhất là vào mùa hoa Cúc quỳ và hoa Muồng vàng nở rộ khiến cho du khách sẽ có cảm giác mới lạ và thơ mộng của một đô thị trẻ đang thay màu áo mới.
Hiện nay Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính huyện, thị xã và dân số trên 527.000 người cùng với 40 dân tộc anh em đang là ăn sinh sống trên địa bàn. Về lĩnh vực kinh tế và hạ tầng kỹ thuật đã có một số thành tựu rất đáng khích lệ: Tăng tưởng kinh tế GDP của Tỉnh (giai đoạn 2005-2013) tăng bình quân ở mức cao trên 13% , riêng trong năm 2013, dự kiến GDP đạt 12,25%. Thu nhập bình quân đầu người trên 17 triệu đồng/người/năm, tính riêng giai đoạn 2010-213 đạt 24,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần về tỷ trọng nông -lâm nghiệp, đồng thời tăng về công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.
Cụ thể là: Giai đoạn 2005-2009 cơ cấu kinh tế trên 3 lĩnh vực tương ứng là: 60,42% - 19,44% - 20,14% và giai đoạn 2010- 2013 là: 56,03% - 23,12% và 20,85%. Có thể nói, cơ cấu kinh tế của một tỉnh xuất phát điểm là thuần nông và mới thành lập như Đắk Nông, song qua các năm có tỷ trọng giữa 3 lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ đạt được ở ngưỡng nêu trên được coi là hợp toàn địa bàn tỉnh tăng nhanh theo từng năm, bình quân trên 5.700 tỷ/năm (gần 19%/năm).
Về thu, chi ngân sách trên địa bàn cũng có chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển và tương xứng với tiềm năng. Vào thời điểm mới thành lập, thu ngân sách chưa đến 100 tỷ đồng, thì nay qua gần 10 năm, nguồn thu của tỉnh đã tăng gần 15 lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 25%/năm. Tương ứng với thu, chi ngân sách địa phương cũng tăng mạnh, trong đó chi thường xuyên tăng 25%/năm, chi đầu tư phát triển tăng 22%/năm.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được tăng cường, các trục đường lớn thuộc Quốc lộ, tỉnh lộ có nhiều làn xe được xây dựng, kể cả các đường liên huyện, liên xã được chú trọng đầu tư đúng mức. Hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cấp - thoát nước được hình thành; các hạng mục đầu tư về cầu cống, công trình thuỷ lợi đã được nâng cấp và xây mới đáp ứng yêu cầu đi lại cũng như tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực công nghiệp, mặc dù tỷ trọng còn thấp trong cơ cấu kinh tế nhưng đã được chú trọng đúng mức, bằng chính sách ưu đãi và các biện pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng như hợp tác đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, chế biến. Đây là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó sự có mặt của một số tập đoàn kinh tế lớn hứa hẹn một sự bức phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về lĩnh vực xã hội đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân được thể hiện thông qua các tiêu chí như: Cơ sở vật chất giáo dục đào tạo tăng nhanh, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, mặt bằng dân trí được cải thiện đáng kể; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, các chính sách an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng lao động có việc làm, số hộ gia đình, bôn - buôn và cơ quan đạt chuẩn văn hoá ngày càng nhiều…
Ngoài ra, các loại hình dịch vụ từ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác đã phát triển mạnh mẽ đã có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn cũng như du khách vãng lai và phục vụ cho các đoàn công tác trong và ngoài nước khi đến công tác tại tỉnh. Về tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh đã có bước chuyển biến vượt bậc.
Mặc dù địa bàn rộng, đường biên giới kéo dài, nhưng nhờ có chính sách dân vận phù hợp, thực hiện tốt công tác tôn giáo và có một số chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hiệu lực quản lý nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng an ninh được phát huy nên tình hình trật tự trị an trên địa bàn được ổn định, theo đó đã có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn có hiệu quả người vượt biên trái phép.
Về công tác đối ngoại luôn được chú trọng đúng mức đã góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Campuchia cũng như củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân các tỉnh có cùng biên giới chung nhằm mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia.
Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Nông đã tổ chức triển khai có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương giao. Những thành công của tỉnh Đắk Nông có được như ngày hôm nay, phần nào có công sức đóng góp không nhỏ của toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị trong suốt 10 năm kể từ ngày thành lập. Để thấy được phần nào sự lớn mạnh của đơn vị trong một thập niên qua, chúng tôi điểm qua một số thành tựu cơ bản của KBNN Đắk Nông kể từ năm 2004 đến nay.
Thời điểm 01/01/2004, KBNN Đắk Nông có 7 phòng chuyên môn và 5 KBNN huyện; đội ngũ cán bộ là 110 người, trong đó ngoài một số cán bộ được điều động từ Đắk Lăk thì hầu hết mới tuyển dụng và trình độ cán bộ còn thấp (đại học chiếm 33%, trung cấp và sơ cấp chiếm 67%) đến nay đơn vị có 10 phòng chuyên môn và 8 đơn vị KBNN huyện, thị xã với 153 cán bộ, công chức, trong đó cán bộ có trình độ Thạc sỹ : 1,3% ; đại học là 62% ; cao đẳng và trung học là 24%; trình độ lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp) chiếm 8,4%(năm 2004 có 1,8%). Số lượng đảng viên tăng nhanh chiếm trên 62%/tổng số cán bộ, công chức.
Về hoạt động giao dịch và thu, chi ngân sách: Hiện nay có hơn 1.000 đơn vị giao dịch với 4.400 tài khoản, doanh số hoạt động gần 91.000 tỷ đồng tăng gấp 3,2 lần vào năm 2004. Đối với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị đã tổ chức triển khai kịp tiến độ cùng với cả nước để hoàn thành các chương trình, đề án lớn do Bộ Tài chính và KBNN đề ra như tổ chức triển khai Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (sửa đổi); chế độ kế toán NSNN và nghiệp vụ KBNN; chương trình thanh toán Liên kho bạc, thanh toán bù trừ điện tử; dự án hiện đại hóa quy trình thu NSNN (TCS), nhất là triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (gọi tắt là Dự án TABMIS). Gần đây đã triển khai thông suốt chương trình thanh toán song phương điện tử với ngân hàng thương mại và đang áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng hoàn thành ISO 9001-2008 cho tất cả các đơn vị KBNN trong Tỉnh…
Về công tác chính trị, đoàn thể - xã hội, đơn vị luôn quan tâm, chú trọng xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh, là một trong những đơn vị đi đầu trong các hoạt động phong trào của tỉnh. Tất cả các tổ chức chính trị, đoàn thể như: Đảng bộ và các Chi bộ trực thuộc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh đã được hình thành, củng cố và phát triển trong 10 năm qua. Hàng năm các tổ chức này đều được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp trên công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh. Ngoài ra, việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đơn vị triển khai thường xuyên, gắn với hoạt động cụ thể của từng vị trí công tác, phù hợp với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị cũng như giao dịch với khách hàng.
Bên cạnh đó, công tác dân vận và xã hội từ thiện cũng được đơn vị hết sức quan tâm và triển khai có hiệu quả. Trong nhiều năm qua, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa bon Bi-Kon của đồng bào dân tộc M`nông và các chiến sỹ đồn biên phòng 761(Thuận AnĐắkMil) để tạo sự gắn kết quân dân cũng như tình đoàn kết, thân ái giữa người kinh với người đồng bào thiểu số tại chỗ, qua đó giúp đỡ các hộ gia đình trong Bon, buôn gặp khó khăn về kinh tế, bệnh tật hay cứu đói giáp hạt… Đồng thời thông qua các đợt phát động quyên góp thực hiện đền ơn đáp nghĩa, các quỹ vì người nghèo, phụ nữ nghèo, học sinh hiếu học, đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc màu da cam… đơn vị đã làm rất tốt, được các ngành, các cấp ghi nhận và biểu dương về thành tích đóng góp thông qua các phong trào thiện nguyện này.
Có thể nói, là đơn vị mới thành lập chưa lâu, mặc dù bề dày kinh nhiệm chưa nhiều, song những gì KBNN Đắk Nông đã làm được trong 10 năm qua đã thể hiện sự nỗ lực vươn lên, vượt khó của đội ngũ cán bộ công chức trong điều kiện vất vả, thiếu thốn bộn bề của một tỉnh nghèo như Đắk Nông. Chính vì vậy, để ghi nhận sự cống hiến đó cũng như thành tích mà tập thể và các cá nhân đã đạt được trong nhiều năm qua, đơn vị đã vinh dự được Nhà nước, Chính phủ, và Bộ ngành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm. Cụ thể là:
Đối với tập thể: 01 Huân chương Lao động hạng III; 18 bằng khen của Bộ Tài chính và 13 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 42 Giấy khen của Tổng Giám đốc KBNN và 59 tập thể đạt danh hiệu lao động xuất sắc.
Đối với cá nhân: 04 Huân chương Lao động Hạng III; 05 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 31 danh hiệu chiến sỹ thi đua ngành Tài chính; 47 bằng khen của Bộ Tài chính và 22 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cùng với rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ, ngành…
Trong năm 2014, hy vọng rằng hệ thống KBNN nói chung và KBNN Đắk Nông nói riêng sẽ giành nhiều thắng lợi hơn nữa. Tất cả những chương trình, dự án lớn sẽ được triển khai kịp tiến độ; vị trí, vai trò của KBNN tiếp tục được khẳng định; phạm vi ảnh hưởng của KBNN sẽ ngày càng lớn hơn và nhất là lòng tin của Đảng, Nhà nước và Bộ, Ngành đối với ngành Tài chính nói chung và KBNN nói riêng sẽ được nhân lên, xứng đáng là công cụ tài chính hết sức quan trọng trong nền tài chính Quốc gia.
Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 1+2-2014