Kho bạc Nhà nước Hà Nội thí điểm dịch vụ công trực tuyến

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020 để trở thành Kho bạc Nhà nước điện tử, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng 3 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 30 dịch vụ công được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

DVC trực tuyến giúp các cán bộ làm công tác kế toán tại Sở Thông tin truyền thông Hà Nội giảm thời gian, chi phí đi lại.
DVC trực tuyến giúp các cán bộ làm công tác kế toán tại Sở Thông tin truyền thông Hà Nội giảm thời gian, chi phí đi lại.

Kho bạc Nhà nước(KBNN) Hà Nội vinh dự được chọn là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm dịch vụ công (DVC) trực tuyến từ ngày 1/3/2016. Theo đánh giá của KBNN Hà Nội cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia thí điểm, bước đầu DVC đã mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt giúp tiết kiệm chi phí đi lại và giảm thủ tục hành chính.

Bước chuẩn bị kỹ lưỡng

Phó Giám đốc KBNN Hà Nội Đặng Văn Hiền cho biết, việc triển khai thí điểm DVC trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến công chức thuộc các Phòng Kế toán Nhà nước, Phòng Kiểm soát chi, Phòng Tin học về chủ trương của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tiến trình hiện đại hóa KBNN, tạo thuận lợi cho các cơ quan đơn vị giao dịch.

Ngày 1/3/2016, KBNN Hà Nội chính thức tiến hành triển khai thí điểm DVC trực tuyến với 10 đơn vị sử dụng ngân sách có uy tín, có số lượng chứng từ vừa phải, phát sinh nhiều nghiệp vụ kế toán, có điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phù hợp để đảm bảo thực hiện triển khai thí điểm. Theo đánh giá của KBNN, về cơ bản hệ thống DVC trực tuyến đã hoạt động thông suốt, đảm bảo tính pháp lý, an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị đã truyền được chứng từ sang kho bạc, kho bạc đã thực hiện thành công và nhập thông tin vào Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và trả báo nợ cho đơn vị.

Qua 6 tháng thí điểm có thể thấy, các thủ tục hành chính tại KBNN được công khai; thời gian nộp và tiếp nhận hồ sơ giữa đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN được rút ngắn; quá trình xử lý hồ sơ tại KBNN được giám sát chặt chẽ.

Những kết quả ban đầu

Theo ghi nhận của phóng viên tại Sở Thông tin truyền thông Hà Nội, các cán bộ làm công tác kế toán rất hào hứng với cách giao dịch mới này. Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, kế toán trưởng cho biết, DVC trực tuyến chính là một hình thức giao dịch hiện đại, đã hạn chế được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị (do kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chứ ký số).

Đồng thời, DVC cũng giúp giảm được chi phí cho đơn vị vì không phải in nhiều chứng từ, hồ sơ để mang đến kho bạc nữa. Đặc biệt, theo chị Hạnh, cái lợi nhất mà DVC trực tuyến đem lại chính là việc thay đổi thói quen kiểm soát bằng chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. “Đây chính là một bước để hiện thực hoá mục tiêu Chính phủ điện tử mà chúng ta đang hướng tới”, chị Hạnh nhấn mạnh.

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, vì là thí điểm nên đơn vị cũng mới áp dụng DVC trực tuyến ở những  hóa đơn, hợp đồng đơn giản. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị, qua mấy tháng thực hiện theo cách giao dịch mới thấy tốt và  thông suốt. “Nếu như trước đây, khi chưa điện tử hóa, đơn vị phải có 2 chứng từ, 2 bộ hồ sơ mang sang kho bạc để thanh toán, nhưng bây giở chỉ cần 1 bộ hồ sơ, nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho đơn vị.

Đồng thời, khi giao dịch bằng DVC, cán bộ kế toán của đơn vị không phải trực tiếp sang kho bạc nữa nên đã giúp giảm thời gian đi lại của đơn vị giao dịch. Đặc biệt, chính việc không phải đi lại này còn giúp đơn vị quản lý được cán bộ”, chị Trần Thị Dung, phụ trách kế toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm...

Các kết quả ban đầu đem lại từ DVC trực tuyến đã rõ, nhưng theo Phó Giám đốc Đặng Văn Hiền, vẫn còn nhiều vướng mắc tồn tại như: Phần mềm kế toán của đơn vị sử dụng ngân sách chưa tích hợp với phần mềm DVC, nên khi thực hiện DVC phải mất thêm thời gian để thao tác nhập thông tin.Hay như hiện nay đang ở giai đoạn thí điểm nên các đơn vị sử dụng ngân sách mới thực hiện truyền sang KBNN những chứng từ mang tính chất đơn giản, ít hồ sơ kèm theo nên chưa đánh giá được hết khả năng đáp ứng của chương trình đối với những hồ sơ phức tạp, hợp đồng có nhiều trang...

Nhưng có lẽ cái khó khăn nhất chính là thói quen và tư duy cũ của một số lãnh đạo đơn vị khi chỉ quen duyệt chứng từ giấy, chưa quen với việc xử lý ký duyệt bằng chữ ký số, chứng từ trên máy tính, nên có lúc chưa thực  hiện ký duyệt đồng bộ, đã làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Do đó để việc triển khai DVC trực tuyến thành công, theo KBNN Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách để họ thấy được những lợi ích từ dịch vụ này mang lại, để hưởng ứng tham gia. Từ đó, tăng đơn vị sử dụng ngân sách tham gia thí điểm để có những đánh giá tập trung, khách quan, sâu rộng hơn trước khi triển khai thí điểm mở rộng.

Các đơn vị sử dụng ngân sách cũng cần đầu tư đồng bộ máy móc để nâng cao tốc độ xử lý chứng từ trên máy tính. Mặt khác, lãnh đạo các đơn vị này cần ưu tiên duyệt chứng từ trên máy qua DVC giao dịch với KBNN.