Dấu ấn cải cách hành chính và bước đột phá mới của Bộ Tài chính
Là cơ quan đi đầu trong công tác cải cách hành chính, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp cải cách hành chính; thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, qua đó, đã rút ngắn được quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan và kho bạc…
Năm thứ hai liên tiếp giữ vững ngôi vị “á quân”
Bộ Tài chính đứng vị trí thứ 2 trong nhóm 19 bộ, ngành, với chỉ số cải cách hành chính (Par Index năm 2015) là 89,21/%, chỉ thấp hơn 0,21% so với chỉ số của đơn vị đứng đầu. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Tài chính đứng thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.
So sánh với số liệu 4 năm trước có thể thấy, thứ hạng cải cách hành chính của Bộ Tài chính năm 2015 đã được cải thiện vượt bậc: Từ thứ 8 năm 2012, lên thứ 4 năm 2013 và liên tục giữ vị trí thứ 2 trong năm hai năm liên tiếp 2014 và 2015. Việc giữ ngôi vị “á quân” liên tiếp hai năm qua, đã thể hiện rất rõ nỗ lực và quyết tâm cải cách hành chính của Bộ Tài chính.
Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính trong toàn ngành Tài chính. Công tác cải cách hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ cũng như của các đơn vị trực thuộc.
Hàng tháng, Bộ Tài chính đều triển khai giao ban, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, gắn hiệu quả công tác cải cách hành chính với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; Ban hành kịp thời kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Chính phủ; Triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính.
- Tiến trình cải cách hành chính của ngành Tài chính đã được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt trong thời gian qua. Trọng tâm cải cách hành chính của Bộ Tài chính tập trung vào hai lĩnh vực thuế, hải quan và kết quả đã có tác động mạnh tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hội nhập quốc tế và đời sống của nhân dân. Điển hình như:
- Trong lĩnh vực thuế, đã đẩy mạnh việc triển khai Đề án hoàn thuế điện tử, tiến tới điện tử hóa 95% công tác hoàn thuế (tương đương với cấp độ 4); Rà soát sửa đổi 70 quy trình nghiệp vụ để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế; Đồng thời, bãi bỏ 31 thủ tục hành chính về thuế. Nhờ đó, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế đã được giảm, từ 420 giờ xuống chỉ còn 117 giờ.
- Trong lĩnh vực hải quan, tính đến nay, hải quan điện tử đã được triển khai tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương; cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 09/14 Bộ… Đồng thời, các đơn vị hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành.
Từ đó đến nay đã lập 09 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 07 cục hải quan, qua đó giảm thời gian thông quan từ 21 ngày xuống chỉ còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng nhập khẩu…
Đặc biệt, để công tác cải cách hành chính trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lan tỏa tới từng đơn vị, ngày 4/5/2015, Bộ Tài chính còn ban hành Quyết định số 793/QĐ-BTC phê duyệt bộ Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài chính. Mục đích của việc ban hành quyết định này là nhằm tạo cơ sở để đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính hàng năm đối với từng đơn vị trực thuộc.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính quốc gia cũng đã đánh giá: Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành thực hiện cải cách hành chính tốt nhất trong số các bộ, ngành Trung ương. Những cải cách đó đã hỗ trợ và tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hội nhập quốc tế và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như: Còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn trên một số lĩnh vực; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chưa cao; một số nội dung quy định chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan và doanh nghiệp; còn vướng mắc trong quy định về hóa đơn, chứng từ, khai thuế qua mạng, chồng chéo giữa thủ tục thuế và hải quan; thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp...
“Cần lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Bộ Tài chính cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện.
Cụ thể là cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan để khắc phục kịp thời những bất cập về cơ sở hạ tầng và phần mềm ứng dụng; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần đề cao trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ; rà soát chính sách, pháp luật, đề xuất kiến nghị phương án xử lý; điều chỉnh các thủ tục hành chính trùng lắp, không thực sự cần thiết hoặc có thể khai thác dữ liệu ở các nguồn thông tin khác; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ; Có Kế hoạch, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ công chức ngành tài chính tận tụy, liêm chính, đạo đức và chuyên nghiệp.
Ngoài những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực khác, chú ý an toàn, an ninh mạng; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ; Sớm trình Chính phủ Nghị định về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác; Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị; nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành; thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động kiểm tra…
Tài liệu tham khảo:
1. Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc ngày 03/8/2016 với Bộ Tài chính;
2. Bộ Nội vụ, Báo cáo công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015;
3. Các website: mof.gov.vn, moha.gov.vn, chinhphu.vn…