Kho bạc Nhà nước hướng tới thực hiện thanh tra bằng phương thức điện tử
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần đáng kể vào việc duy trì, ổn định của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước. Triển khai chiến lược phát triển cho giai đoạn mới, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tiếp tục được hiện đại hóa phù hợp với lộ trình hiện đại hóa của Kho bạc Nhà nước.
Từ ngày 1/1/2016, Thanh tra Kho bạc Nhà nước chính thức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với đầy đủ hành lang pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Từ đó đến nay, lực lượng Thanh tra Kho bạc Nhà nước ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các quy chế, quy trình nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra cũng từng bước được nghiên cứu, xây dựng và ban hành phù hợp.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần duy trì, ổn định hệ thống; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong hoạt động nghiệp vụ KBNN. Kết quả thanh tra, kiểm tra cũng góp phần chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, sai phạm để khuyến nghị giải pháp, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách nâng cao ý thức chấp quy định pháp luật và sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm.
Thống kê trong giai đoạn từ 2016-2020, Thanh tra Kho bạc Nhà nước đã tiến hành 1.215 cuộc thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng ngân sách, đạt 100% kế hoạch. Qua đó, Thanh tra Kho bạc Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 41,7 tỷ đồng, ban hành 205 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 586,8 triệu đồng.
Thời gian tới, thực hiện lộ trình sửa đổi Luật Thanh tra năm 2020, Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng đổi mới tổ chức thanh tra tài chính của Bộ Tài chính; cho phép các tổng cục thuộc Bộ Tài chính được tổ chức cơ quan thanh tra độc lập, đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra.
Tiến tới Kho bạc số, công tác thanh tra, kiểm tra tại Kho bạc Nhà nước cũng sẽ được cải cách, hiện đại hóa để phù hợp với lộ trình phát triển của ngành Kho bạc đến năm 2030. Cụ thể, thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro.
Theo đó, nhiều khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau và công tác hậu kiểm được giao cho thanh tra chuyên ngành KBNN thực hiện.
Theo thống kê, đến hết năm 2020, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên cả nước (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng, quân đội và tổ chức nghề nghiệp) đã thực hiện giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước với tỷ lệ hồ sơ giao dịch bình quân đạt 98%.
Nhằm hỗ trợ công chức thanh tra, kiểm tra tiếp cận chứng từ, hồ sơ, tài liệu do đơn vị sử dụng ngân sách gửi qua dịch vụ công trực tuyến, từ tháng 12/2020, Kho bạc Nhà nước đã triển khai chương trình tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến.
Đây là bước khởi đầu quan trọng đánh dấu việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của Kho bạc Nhà nước.
Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro. Theo đó, nhiều khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau và công tác hậu kiểm được giao cho thanh tra chuyên ngành KBNN thực hiện.