Hệ thống Kho bạc Nhà nước chung sức, đồng lòng, tạo thế và lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021

Với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới và sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2020 với nhiều điểm nhấn nổi bật. Tiếp nối những thành quả đã đạt được, bước vào xuân mới, Xuân Tân Sửu, hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống chung sức, đồng lòng tạo thế và lực để Kho bạc Nhà nước phát triển và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2020 và nhiệm vụ  của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2021 (ngày 16/12/2020)
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2020 và nhiệm vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2021 (ngày 16/12/2020)

Cán đích với nhiều điểm nhấn nổi bật

2020 là năm tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, là năm có nhiều sự kiện chính trị và nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng.

Đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), năm 2020 kỷ niệm 30 năm tái thành lập hệ thống, năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và chuẩn bị Chiến lược 10 năm tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 với nhiều điểm nhấn quan trọng sau:

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho thực hiện nhiệm vụ

KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều đề án, chính sách, qua đó tạo lập khung pháp lý quy trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC), quy trình nghiệp vụ nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính của hệ thống KBNN; Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, công khai, minh bạch, phòng tránh rủi ro.

Cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa để tiến tới Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không chứng từ giấy”

Trong năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hệ thống KBNN đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Song song với việc nâng cấp, hoàn hiện chương trình ứng dụng; bổ sung trang thiết bị, nâng cấp đường truyền... KBNN đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia sử dụng DVCTT. Đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Cùng với đó, KBNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, tổng số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN đã giảm, chỉ còn dưới 1%. Đặc biệt, để tiến tới Kho bạc số toàn diện, KBNN đang khẩn trương, tích cực xây dựng cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết; phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan để kết nối các hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử và tổ chức lưu trữ chứng từ điện tử, tiến đến mục tiêu “không chứng từ giấy” tại các trụ sở KBNN.

Hoàn thành việc tổng hợp, lập Báo cáo Tài chính Nhà nước toàn quốc đầu tiên; phát huy vai trò Tổng kế toán nhà nước

Trong năm 2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) toàn quốc đầu tiên cho năm tài chính 2018, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIV) theo đúng quy định. Đồng thời, KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công tác lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao (93,17%). KBNN đã và đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai công tác lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 theo đúng kế hoạch.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 04/NQ-BCSĐ ngày 30/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong 3 năm qua, hệ thống KBNN đã tích cực, chủ động triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống. Kết quả: Năm 2018, hệ thống KBNN tinh giảm 43 phòng giao dịch (tương đương KBNN cấp huyện) trên địa bàn tỉnh lỵ thuộc KBNN cấp tỉnh. Năm 2019, hệ thống KBNN cắt giảm 128 phòng tại KBNN cấp tỉnh; sáp nhập 15 KBNN cấp huyện và xóa bỏ 48 phòng của KBNN quận trực thuộc KBNN Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh. Năm 2020, hệ thống KBNN tiếp tục giải thể, sáp nhập 6 KBNN cấp huyện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hiện KBNN đang hoàn thiện để báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, theo đó định hướng đến năm 2030 vận hành mô hình KBNN 2 cấp, loại bỏ các cấp trung gian.

Hoàn thành công tác huy động vốn cho ngân sách

Năm 2020, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), kế hoạch vay trả nợ của NSNN và tình hình thị trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn; đồng thời, đảm bảo tính bền vững của nợ công. Đến hết ngày 30/12/2020, KBNN đã huy động được 333.042,5 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch điều chỉnh năm (339.090 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) bình quân là 13,94 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 8,42 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,86%/năm; lãi suất phát hành TPCP đối với kỳ hạn 10 năm thấp thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Quản lý chặt chẽ Quỹ ngân sách nhà nước

Bám sát chủ trương điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã nắm chắc diễn biến tình hình thu, chi NSNN, xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) hàng quý và tổ chức điều hành NQNN linh hoạt, chặt chẽ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN, đặc biệt các nhu cầu chi phòng, chống và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19; sử dụng NQNN để tạm ứng, cho vay cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh, vừa gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ, vừa góp phần tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý NQNN. Trong năm 2020, KBNN đã tiến hành triển khai quy trình đấu thầu gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM theo phương thức điện tử và ký kết phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử, góp phần thực hiện quản lý NQNN hiệu quả, công khai và minh bạch.

Hạch toán kịp thời, chính xác các khoản thu; kiểm soát chi chặt chẽ, đúng quy định

Trong năm 2020, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành NSNN các cấp. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN. Tổng thu cân đối NSNN năm 2020 đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội (số đã báo cáo Quốc hội là 1.323 nghìn tỷ đồng).

Về kiểm soát chi (KSC), trong năm 2020, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách; đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên như: khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài... Thông qua công tác KSC NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện trên 62 nghìn khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền từ chối thanh toán là gần 100 tỷ đồng.

Tóm lại, trong bối cảnh chung với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2020, toàn hệ thống KBNN đã chung sức đồng lòng, quyết tâm vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đóng góp quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước chung sức, đồng lòng, tạo thế và lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - Ảnh 1

Tập trung nguồn lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021

Xác định mục tiêu và phương châm hành động, trong năm 2021, hệ thống KBNN tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổ chức điều hành quản lý chặt chẽ Quỹ NSNN. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021; tiếp tục mở rộng phối hợp thu và thanh toán điện tử với các hệ thống NHTM cổ phần theo quy định. Cùng với đó, thực hiện kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định; Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn do Bộ Tài chính giao, đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn tỷ lệ quy định.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước. Cụ thể, tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, BCTCNN toàn quốc năm 2019 trình Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời hạn quy định.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trên các mặt về cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Theo kế hoạch, trong năm 2021, KBNN sẽ thực hiện sáp nhập 7 KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh và thành lập 15 KBNN khu vực liên huyện; thành lập KBNN Thủ Đức theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tóm lại, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn có nhiều diễn biến khó lường và bất định, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống KBNN trong năm 2021 và các năm tiếp theo là hết sức nặng nề, song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, công chức, viên chức toàn hệ thống KBNN với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới và sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2021.