Kho bạc Nhà nước: Khép lại một năm với những dấu ấn quan trọng
Khép lại năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan trên các mặt công tác, trong đó nổi bật là thành tích đơn giản quy trình thu - chi ngân sách nhà nước, triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi của ngân sách nhà nước qua hệ thống kho bạc và đặc biệt là đã hoàn thành nhiều đề án lớn. Những dấu ấn quan trọng này là tiền đề để Kho bạc Nhà nước thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Đẩy mạnh cải cách
quy trình quản lý Quỹ ngân sách nhà nước
Bám sát kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai cải cách quy trình thủ tục hành chính về thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch thu - chi NSNN tại các đơn vị.
Cụ thể, về cải cách quy trình thu NSNN, KBNN tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án lớn như: Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa thuế - hải quan - KBNN; Tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại (NHTM); đồng thời, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quy trình quản lý thu NSNN. Các dự án cải cách, hiện đại hóa này đã góp phần tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu vào NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền vào NSNN (thời gian thực hiện một giao dịch thu NSNN rút xuống còn khoảng 5 phút so với với trước đây là 30 phút).
Song song với đó, KBNN đã triển khai mở rộng việc thu NSNN qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) lắp đặt tại trụ sở KBNN ở những địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt và có số lượng người dùng thẻ đông (đến nay đã triển khai tại trên 200 đơn vị KBNN).
Nỗ lực cải cách của KBNN giúp NSNN được tập trung một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời; mặt khác, mở rộng không gian và thời gian cho người nộp thuế (người nộp thuế có thể thực hiện nộp tiền tại nhiều địa điểm khác nhau như tại trụ sở KBNN hoặc điểm giao dịch của NHTM và có thể nộp ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ thông qua các dịch vụ thanh toán điện tử do NHTM cung cấp…). Tính đến 31/12/2017, tổng thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng (+5,9%) so với dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí 21% GDP.
Trong năm 2017, KBNN đã tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời, trách nhiệm và có chất lượng đối với các văn bản về cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN như: Sửa đổi Luật Đầu tư công và Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; Kịp thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống triển khai thực hiện các chế độ, chính sách mới được ban hành; Giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của KBNN các tỉnh, thành phố liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN, giúp cho hoạt động của hệ thống luôn thông suốt, không bị ách tắc...
Cũng trong năm 2017, KBNN đã kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ mua sắm xe ô tô; Kiểm soát thanh toán mua sắm máy móc thiết bị phục vụ hoạt động chung, thiết bị chuyên dùng theo đúng quy định; xây dựng ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chi lương, phụ cấp đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát, chiếm dụng tiền NSNN.
Từ những việc làm thiết thực trên, trong năm 2017, hệ thống KBNN đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên. Cụ thể, đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, KBNN đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán. Nhờ đó, tính đến ngày 15/12/2017, hệ thống KBNN kiểm soát chi đạt 245.125,2 tỷ đồng, bằng 72,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân đạt 221.733,9 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch, nguồn vốn khác giải ngân đạt 23.391,3 tỷ đồng, bằng 72,9% kế hoạch.
Đối với chi thường xuyên, hệ thống KBNN đã bước đầu xây dựng quy trình kiểm soát chi theo ngưỡng và cơ chế khoán đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Lược bỏ thủ tục kiểm soát chi liên quan đến nhu cầu chi quý, xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát chi “một cửa” theo nguyên tắc mỗi giao dịch viên là một cửa, trừ các khoản chi bằng tiền mặt. Tính đến ngày 15/12/2017, hệ thống KBNN đã kiểm soát đạt 746.504 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), bằng 82% dự toán năm. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 15.354 khoản chi chưa đủ thủ tục, số tiền thực từ chối thanh toán là 42,7 tỷ đồng...
Thí điểm thành công
Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát chi
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng giao dịch, giảm thiểu thời gian và vật chất cho xã hội, năm 2017, KBNN đã triển khai thí điểm thành công Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN trên toàn quốc từ ngày 02/10/2017. Đây là một trong những điểm sáng của KBNN trong năm 2017, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư.
Kết quả khảo sát cho thấy, sau một thời gian thí điểm Đề án, KBNN đã nhận được những phản hồi tích cực từ các đơn vị sử dụng ngân sách/chủ đầu tư. Các cấp chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ việc cải cách, sắp xếp lại công việc kiểm soát chi của hệ thống KBNN; Các đơn vị có giao dịch thanh toán với KBNN cũng khá hài lòng, nhiều đơn vị đã chủ động tìm hiểu thông tin chỉ dẫn trước khi đến giao dịch với KBNN.
Với sự cố gắng, nỗ lực làm cho xong việc mới nghỉ của tập thể cán bộ, công chức của cả hệ thống KBNN, công tác kiểm soát chi cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ theo quy định.
Kết quả trên có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBN là phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng yêu cầu, chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tài chính; Tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện được tinh gọn hơn (giảm 1.332 cấp Tổ), mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng; đồng thời, đảm bảo thời gian kiểm soát, xử lý hồ sơ kiểm soát chi theo quy định.
Hoàn thành nhiều đề án trọng tâm khác
Bên cạnh việc triển khai thành công Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN, năm 2017, một số đề án, chính sách trọng tâm khác cũng được KBNN tập trung hoàn thiện như: Hoàn thành Đề án Tổng Kế toán Nhà nước; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thanh toán song phương điện tử...
Đặc biệt, để tạo cơ sở pháp lý phù hợp với các quy định hiện hành về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và chức năng nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN, hướng tới hình thành KBNN điện tử theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, KBNN đã nghiên cứu, trình Bộ Tài chính Thông tư thay thế Thông tư 209/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN. Thông tư được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng để KBNN triển khai mở rộng dịch vụ công điện tử từ đầu năm 2018.
Trong lĩnh vực cải cách quản lý ngân quỹ, năm 2017, KBNN đã xây dựng, hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về hoạt động quản lý ngân quỹ theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và Nghị định 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, KBNN đã nghiên cứu, trình Bộ Tài chính sửa đổi 2 thông tư (Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM); Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 của Bộ Tài chính quy định tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho NSNN).
Về Đề án Tổng Kế toán nhà nước năm 2017, KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 về Báo cáo tài chính nhà nước. Đây là một trong những nền tảng pháp lý quan trọng để KBNN phối hợp với các đơn vị thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở Nghị định 25/2017/NĐ-CP, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 25/2017/NĐ-CP đã được KBNN xây dựng, hiện đang tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận và xin ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện.
KBNN cũng phối hợp chặt chẽ với Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) trong việc xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn hợp nhất báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho Đề án Tổng kế toán nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh việc hoàn thành các đề án trên, trong năm qua, KBNN đã hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng trên toàn quốc. Năm 2017, KBNN tiếp tục hoàn thiện các văn bản nghiệp vụ kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với các NHTM theo tinh thần Thông tư 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước và NHTM; Triển khai thanh toán song phương điện tử với Ngân hàng Quân đội (MB); Mở rộng tài khoản chuyên thu cho các KBNN cấp tỉnh, cấp huyện tại Vietinbank (220 tài khoản), VietcomBank (191 tài khoản), BIDV (236 tài khoản), Agribank (104 tài khoản) và MB (87 tài khoản).
Ngoài ra, trên cơ sở kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và danh mục dự toán công nghệ thông tin năm 2017 đã được Bộ Tài chính phê duyệt, trong năm 2017, KBNN đã tập trung triển khai đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài chính và dự án do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho KBNN chủ trì, phát triển.
Khép lại năm 2017 với sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức trong toàn hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng xây dựng hệ thống KBNN hiện đại, hoạt động an toàn và hiệu quả hướng đến hình thành KBNN điện tử trong những năm tiếp theo.