Kho bạc Nhà nước tăng tốc chuyển đổi số
Mục tiêu trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là trở thành Kho bạc số. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, đảm bảo đúng lộ trình đặt ra, nhiều giải pháp của hệ thống Kho bạc Nhà nước về chuyển đổi số tiếp tục có những đổi mới và tăng tốc mạnh mẽ.
Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2024 là năm thứ ba thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN). Để tiến tới mục tiêu trở thành Kho bạc số, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, KBNN đã chủ động triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đồng thời, cung cấp 11/11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
KBNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại. Đến nay, KBNN đã triển khai ký thỏa thuận khung với 21 ngân hàng thương mại, tổ chức kết nối thanh toán song phương điện tử với 16 ngân hàng thương mại và đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại còn lại để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, KBNN đã nghiên cứu, phát triển nhiều tiện ích mới phục vụ người sử dụng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ.
Song song với đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, KBNN luôn chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình TTHC của công chức KBNN. Theo đó, KBNN đã ban hành 2 quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và nhiều quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đây vừa là văn bản có tính quy định bắt buộc và vừa là cẩm nang để các đơn vị KBNN có các hành động phòng ngừa rủi ro, tăng cường giám sát nội bộ nhằm nâng cao năng suất lao động của công chức KBNN và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.
KBNN cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng giao dịch, không để tình trạng chậm muộn, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết TTHC như: tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của công chức KBNN; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức về văn hóa công sở và kỹ năng giao tiếp; thực hiện luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức đảm bảo theo đúng quy định; xử lý nghiêm, điều chuyển ngay các công chức bị khách hàng phản ánh thái độ phục vụ kém.
Tăng tốc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Không nằm ngoài định hướng và tiến trình phát triển chung của hệ thống, công cuộc chuyển đổi số của ngành Kho bạc còn lan tỏa xuống các địa phương với phương châm “lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo phục vụ”. Tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị trong hệ thống KBNN đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, đơn vị đã rà soát, xây dựng kế hoạch khắc phục, cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh; tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện số hóa 100% hồ sơ kiểm soát chi NSNN; cải tiến quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo KBNN Thừa Thiên Huế, đơn vị đã tăng tốc thực hiện Chiến lược Kho bạc số và đến nay cơ bản đạt được hiệu quả đáng kể trong CCHC thông qua chuyển đổi sang hình thức Kho bạc số. KBNN Thừa Thiên Huế đã cung cấp thành công 11 thủ tục mức độ 4 lên DVCTT, đạt 100% theo kế hoạch đề ra, và đã đạt được mục tiêu 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch trên DVCTT.
Tiến tới kho bạc số, KBNN Thanh Hóa đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt, KBNN Thanh Hóa đã xây dựng, chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào quy trình giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN; đảm bảo tất cả các đơn vị KBNN huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và tại cơ quan KBNN Tỉnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo mô hình khung do KBNN ban hành mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số, tiến tới Kho bạc số còn một số khó khăn trong việc thực hiện như: mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các đơn vị phối hợp tại địa phương, còn khó khăn về cơ sở dữ liệu… Do vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu trở thành Kho bạc số vào năm 2030, trong giai đoạn 2024-2026, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, lấy Tabmis làm trung tâm để thực hiện mục tiêu, KBNN tiếp tục hoàn thiện hệ thống DVCTT, hoàn thiện kho bạc điện tử; nâng cấp và mở rộng kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ nhằm bổ sung hoàn thiện thông tin báo cáo, cung cấp dữ liệu kịp thời cho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; xây dựng và triển khai chương trình thông tin chỉ đạo, điều hành của KBNN, cung cấp kịp thời thông tin cho lãnh đạo Bộ Tài chính, KBNN các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực, đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC và triển khai theo nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Mở rộng chức năng hệ thống quản lý ngân quỹ bổ sung nghiệp vụ tạm ứng NSNN, quản lý tiền gửi ngân quỹ nhà nước và một số yêu cầu nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.
Nghiên cứu, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 (AI, Blockchain, Mobile, điện toán đám mây…) trong hoạt động nghiệp vụ KBNN như: kiểm soát rủi ro trong kiểm soát chi, cung cấp dịch vụ hành chính công qua thiết bị di động trên cơ sở hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin.