Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế tập trung nguồn thu đầy đủ kịp thời, kiểm soát chi chặt chẽ, hiệu quả
Năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thừa Thiên - Huế đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước. Nhờ đó, đơn vị đã thực hiện thu ngân sách đạt 12.178 tỷ đồng, thực hiện kiểm soát chi đạt 15.653 tỷ đồng. Phát huy kết quả này, KBNN Thừa Thiên - Huế đã, đang triển khai một số giải pháp trọng tâm trong quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước năm 2023.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2022, KBNN Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã thực hiện tập trung các nguồn thu đầy đủ kịp thời, phân chia tỷ lệ được hưởng cho các cấp ngân sách theo đúng chế độ Nhà nước quy định; thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch tại Kho bạc nhanh chóng, an toàn.
KBNN Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chuyên môn phối hợp với các ban ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, quản lý chặt chẽ quỹ NSNN, điều tiết chính xác cho các cấp ngân sách. Thực hiện tốt việc báo cáo nhanh khối NSNN Tỉnh, NSNN TP. Huế và các huyện kịp thời cho các cấp lãnh đạo...
KBNN Thừa Thiên - Huế đã triển khai mở rộng công tác phối hợp thu với 11 NHTM cổ phần đảm bảo điều kiện thu trên địa bàn toàn tỉnh và đã triển khai 73 điểm thu trực thuộc các hệ thống Ngân hàng, trong đó có 3 Ngân hàng có hệ thống dọc cấp huyện trong toàn tỉnh như Ngân hàng Agribank, VietinBank và LienVietPostBank.
Song song với nhiệm vụ trên, đơn vị đã thực hiện quản lý, kiểm soát thanh toán chi NSNN chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; Tập trung giải ngân Kế hoạch vốn dự toán NSNN năm 2021 kéo dài, kế hoạch vốn năm 2022; quán triệt công chức làm công tác kiểm soát chi tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ chặt chẽ, chính xác, kịp thời cho đơn vị sử dụng ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Tỉnh...
Đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành và các chủ đầu tư đẩy nhanh việc nhập, phê duyệt dự toán trên TABMIS; kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao; phục vụ thanh toán kịp thời đúng quy định. Đốc thúc các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện quy trình kiểm soát chi mới đối với mô hình KBNN cấp tỉnh, huyện theo hướng chuyên sâu, rõ trách nhiệm, đơn giản hóa các bước trong quy trình nghiệp vụ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN và các quỹ tài chính khác.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về Đề án thanh toán không dùng tiền mặt và thực chi tiền mặt qua Ngân hàng, đơn vị đã triển khai phối hợp chi tiền mặt 100% qua NHTM tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch trên địa bàn tỉnh. Duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị KBNN tổ chức kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi thường xuyên và đột xuất của địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách...
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trên, năm qua, KBNN Thừa Thiên - Huế tập trung nguồn thu đầy đủ kịp thời, kiểm soát chi chặt chẽ, hiệu quả. Cụ thể, đơn vị đã KBNN Thừa Thiên - Huế đã thực hiện thu ngân sách là 12.178 tỷ đồng, đạt 177% so với dự toán, tăng 112% so với cùng kỳ năm 2021; thực hiện kiểm soát chi đạt 15.653 tỷ đồng, đạt 86% so với dự toán, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, KBNN Thừa Thiên - Huế tiếp tục duy trì và thực hiện phối hợp thu các khoản thu NSNN qua hệ thống các NHTM đã ký thoả thuận phối hợp thu; tiếp tục triển khai mở rộng công tác phối hợp thu với các NHTM cổ phần đảm bảo điều kiện thu trên địa bàn toàn Tỉnh; Phối hợp với cơ quan Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan tăng cường quản lý thu NSNN, kịp thời điều tiết thu ngân sách đúng quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thu NSNN...
Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường kiểm soát chi NSNN gắn với thực hiện có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư XDCB từ NSNN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu, chi NSNN, Tổ chức thực hiện tốt tổng hợp, báo cáo cung cấp thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành NSNN của các cấp.