Kho bạc Nhà nước tổ chức quản lý quỹ NSNN chặt chẽ, an toàn, tích cực chuyển đổi số
Ngày 24/12, Kho bạc Nhà nước Việt Nam (KBNN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng dự và chỉ đạo hội nghị.
Trên 99% cá nhân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của hệ thống KBNN
Theo Báo cáo của KBNN tại Hội nghị, năm 2021, mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19, song toàn hệ thống KBNN đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong công tác xây dựng, triển khai các đề án, chính sách, KBNN đã hoàn thành dứt điểm 11 đề án; 7 đề án đang triển khai theo đúng tiến độ; 4 đề án được điều chỉnh tiến độ thực hiện sang năm 2022. KBNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, làm kim chỉ nam để KBNN đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa trong thời gian tới.
KBNN cũng chủ động nghiên cứu và trình Bộ Tài chính ban hành 6 thông tư thuộc lĩnh vực nghiệp vụ KBNN, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm tiếp tục đổi mới, cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và tổng kế toán nhà nước.
Về quản lý thu NSNN, bám sát dự toán thu, KBNN các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ kịp thời công tác điều hành thu ngân sách các cấp.
Tính đến hết ngày 15/12/2021, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng; bằng 107,11% so với dự toán năm 2021 được giao. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 101,13% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 114,44% so với dự toán năm.
Về kiểm soát chi NSNN, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cùng với đó, tăng cường kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời các khoản chi thường xuyên, ưu tiên kiểm soát thanh toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh, kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật; cung cấp số liệu giải ngân hàng ngày cho Bộ Tài chính, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý điều hành NSNN.
Tính đến ngày 15/12, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng.
Trong năm 2021, KBNN cũng đã tổ chức huy động vốn trái phiếu Chính phủ phù hợp với nhu cầu vốn của ngân sách trung ương và tình hình ngân quỹ nhà nước; thực hiện phát hành đa dạng kỳ hạn trái phiếu chính phủ, tập trung phát triển trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu chính phủ theo hướng kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục với lãi suất phát hành thấp so với các nước trong khu vực có cùng hạn mức tín nhiệm như Indonesia, Philipines.
Tính đến ngày 15/12/2021, KBNN đã huy động được 313.243 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch điều chỉnh; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 13,9 năm; lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 2,3%/năm.
Trong năm 2021, KBNN cũng đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị giao dịch; hoàn thành xây dựng và chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Năm 2021, cũng là năm đầu tiên KBNN cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100%; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%.
Đồng thời, KBNN triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đạt 99,4%. Đây là một trong các kênh thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN, giúp KBNN cải thiện chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ
Đánh giá cao những kết quả đạt của hệ thống KBNN trong năm 2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ghi nhận: Những kết quả đạt được của hệ thống KBNN thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành Tài chính. Trong năm 2022, nhiệm vụ đặt ra cũng hết sức nặng nề đối với ngành Tài chính nói chung, với hệ thống KBNN nói riêng, đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm.
Theo đó, trong năm 2022, KBNN cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh công tác huy động vốn; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư; Chú trọng công tác khóa sổ cuối năm để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; Hoàn thiện hơn nữa báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để làm tốt nhiệm vụ được giao...
Tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân khẳng định: Ngay từ đầu năm 2022, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương; chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2022, KBNN xác định mục tiêu và phương châm hành động là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”.
KBNN cụ thể hóa mục tiêu nói trên bằng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 và triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình được phê duyệt.
Cùng với đó là tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng.
Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ cũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh song song với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài khoản tiền gửi của KBNN tại ngân hàng; tăng cường các biện pháp kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các hoạt động nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, giảm thiểu rủi ro, sai sót, mất an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao; chủ động phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối trụ sở, tiền và tài sản trong hệ thống KBNN.
Một số công tác khác cũng sẽ được KBNN chú trọng như: Thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao; nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…