Ổn định bộ máy, quản lý quỹ ngân sách nhà nước hiệu quả

Kho bạc Nhà nước trực tiếp góp sức vào sự ổn định, phát triển kinh tế

Ngọc Tú

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) hiệu quả, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trực tiếp góp sức vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế đất nước.

Giám đốc KBNN Trần Quân phát biểu tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ sắp xếp các KBNN khu vực
Giám đốc KBNN Trần Quân phát biểu tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ sắp xếp các KBNN khu vực

Nhanh chóng ổn định bộ máy, duy trì hoạt động thông suốt

Công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính luôn là một thử thách lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao độ. KBNN đã không ngừng nỗ lực để hệ thống hoạt động hiệu quả ngay lập tức sau ngày 1/7/2025.

Việc sắp xếp hệ thống KBNN tổ chức 20 KBNN khu vực phù hợp với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới đã kéo theo hàng loạt các quyết định mang tính chiến lược. Để đảm đương nhiệm vụ trên 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngoài việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN khu vực phù hợp với bộ máy mới, KBNN tích cực tham mưu, trình Bộ Tài chính sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến quản lý quỹ NSNN.

Thông qua đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành kịp thời, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý công tác quản lý quỹ tài chính nhà nước. Trong đó, điển hình là Thông tư số 41/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/6/2025 sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định của một số điều tại của các Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014, Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/202202, Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016...

Bên cạnh đó, KBNN còn thể hiện sự chủ động chỉ đạo sát sao, kịp thời các đơn vị và hướng dẫn KBNN các khu vực về việc bàn giao, chuyển đổi số liệu, dữ liệu, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và thông suốt. Các Tổ hỗ trợ được thành lập, đồng thời với nhiều Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, các công văn hướng dẫn chi tiết được ban hành đã nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng này đã giúp KBNN duy trì ổn định hoạt động tài chính quốc gia, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác.

Quản lý quỹ ngân sách hiệu quả trong 6 tháng đầu năm

Trong thời gian qua, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, chính xác,  kịp thời các khoản thu vào ngân sách. Đến hết ngày 30/6/2025, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.332.321 tỷ đồng, bằng 67,74% so với dự toán năm 2025. Chế độ báo cáo được tuân thủ nghiêm túc, giúp các cấp chính quyền chủ động trong quản lý, điều hành quỹ ngân sách nhà nước.

Dù bộn bề với việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy và tổ chức lại chính quyền địa phương nhưng công tác thanh toán, chi trả các khoản chi NSNN qua KBNN vẫn đảm bảo thông suốt, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu công, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Đến ngày 30/6/2025, chi thường xuyên ước đạt 730.467 tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán.

Đối với công tác thanh toán các khoản chi đầu tư, phát triển từ nguồn NSNN, KBNN chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, chủ động tháo gỡ theo thẩm quyền, tham mưu các cấp quản lý các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn quản lý.

Lũy kế vốn đầu tư công năm 2025 thanh toán chi trả qua KBNN ước đạt 260.173,0 tỷ đồng, bằng 30,0% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2025 Thủ tướng Chính phủ giao, thanh toán chi trả qua KBNN (kế hoạch là 866.053,1 tỷ đồng), bằng 27,6% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2025 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, thanh toán chi trả qua KBNN (kế hoạch là 941.309,7 tỷ đồng). 

Các khoản tạm ứng quá hạn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng thường xuyên được quan tâm, rà soát để đôn đốc, thu hồi, thể hiện sự minh bạch và chặt chẽ trong quản lý dòng tiền đầu tư công.

Để đảm bảo nguồn lực cho các dự án đầu tư và cân đối ngân sách, KBNN đã tích cực huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Tính đến hết ngày 30/6/2025, lũy kế khối lượng phát hành quý II/2025 là 90.950 tỷ đồng, đạt 75,8% kế hoạch quý II/2025 (120.000 tỷ đồng). Tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP là 201.390 tỷ đồng, đạt 40,3% kế hoạch phát hành TPCP năm (500.000 tỷ đồng).

Kỳ hạn TPCP phát hành bình quân là 9,80 năm với lãi suất phát hành bình quân là 2,92%/năm, kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 8,89 năm cho thấy, KBNN đã thành công trong việc tối ưu hóa chi phí huy động và quản lý nợ công một cách hiệu quả, đảm bảo sự an toàn và bền vững cho tài chính quốc gia.

KBNN cũng đã chủ động điều hành ngân quỹ nhà nước, mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu chi trả nợ nước ngoài, thể hiện sự linh hoạt và chuyên nghiệp trong quản lý tài sản quốc gia.

Tiếp tục hiện đại hóa, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần thu hút đầu tư

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, KBNN đang dồn lực cho công tác hiện đại hóa công nghệ thông tin thông qua việc xây dựng công cụ chuyển đổi số liệu trên TABMIS và các chương trình ứng dụng khác.

Hợp đồng điện tử được tích hợp, kết nối dữ liệu với Mạng đấu thầu quốc gia, hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động được triển khai thí điểm là những bước tiến quan trọng, hướng tới hình thành một "hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số" (VDBAS), giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch, một yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy môi trường kinh doanh.

Cùng với việc duy trì, vận hành ổn định hệ thống, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách sau khi thực hiện sáp nhập theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Song song với đó, công tác chuyển đổi số liệu, dữ liệu, nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT và hạ tầng CNTT sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ cho 20 KBNN khu vực theo các kịch bản đã phê duyệt. 

Trong tháng 7/2025, KBNN sẽ tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BTC và Thông tư số 135/2018/TT-BTC về quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý. Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, hướng tới mục tiêu đơn giản hóa và số hóa các quy trình giao dịch...

Kỳ vọng, trong 06 tháng tiếp theo, KBNN sẽ hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ chính trị Chính phủ, Bộ Tài chính giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục triêu tăng trưởng kinh tế năm.