Khó đẩy nhanh thị trường điện cạnh tranh?

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Để lành mạnh hóa trong lĩnh vực điện, việc hình thành thị trường điện cạnh tranh là cần thiết và đã có lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có đúng tiến độ khi còn nhiều vướng mắc, khó khăn?

Tiến độ thị trường điện cạnh tranh còn nhiều việc phải làm. Nguồn: Internet
Tiến độ thị trường điện cạnh tranh còn nhiều việc phải làm. Nguồn: Internet

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (năm 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2015-2016 và hoàn chỉnh từ năm 2017-2021), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2021 – 2023) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ sau năm 2023).

Như vậy, xét về thời gian, sau gần 6 năm, Bộ Công Thương đến nay mới chỉ thực hiện được thị trường phát điện cạnh tranh, từ ngày 1/1/2019, triển khai mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Lo lắng về tiến độ

Thời gian qua, trước những tranh cãi về việc tăng giá điện, nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề bao giờ Việt Nam mới có thị trường điện cạnh tranh, tại Nghị trường của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) băn khoăn: "Lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh liệu có thực hiện được không? Tôi nghe có một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và sự thất thoát từ việc chậm tiến độ là điều tất yếu".

Đánh giá về lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng sự vận hành của thị trường điện cạnh tranh hiện nay vẫn rất chậm chạp. Theo lộ trình, lẽ ra năm 2015-2016 phải chuyển sang thị trường bán buôn nhưng đến nay dù đã chính thức vận hành, thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm.

"Hiện nay, các tổng công ty điện lực được quyền mua bán điện nhưng xây dựng và vận hành mô hình này thế nào: Rồi các tổng công ty phân phối trước nay kinh doanh không phải trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng mà được sử dụng cơ chế giá điện nội bộ thì khi vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ giải quyết bài toán này ra sao?", ông Long nêu vấn đề.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần sớm đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh, hoàn thiện thị trường trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, giải quyết bài toán trợ giá giữa các đơn vị liên quan…

Đó là những bài toán mà Nhà nước và ngành điện cần giải quyết để có thị trường điện cạnh tranh và giá điện theo thị trường, giải tỏa bớt bức xúc của người dân với ngành điện như vừa qua.

Với thị trường phát điện cạnh tranh được Bộ Công Thương đánh giá là đã đạt được nhiều kết quả, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhìn nhận thị trường phát điện cạnh tranh đã có những thành công nhất định khi khởi đầu chỉ có 34 nhà máy tham gia, nay tăng lên 87 và tính minh bạch ngày càng cao, song vẫn có những trục trặc, bỡ ngỡ trong quản lý, vận hành.

Theo quy định, các nhà máy phát điện sẽ chào giá lên sàn, công ty mua bán điện quyết định mua điện của doanh nghiệp (DN) theo giá chào từ thấp đến cao. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp nhà máy thủy điện nhỏ không thể cạnh tranh, bị ép giá…

Ông Ngãi cho rằng thị trường bán buôn điện cạnh tranh là giai đoạn mới, khó khăn hơn, việc tham gia thị trường của các nhà máy phát điện không dễ. Việc dần gỡ bỏ độc quyền 100% của ngành điện cũng không thể một sớm một chiều, dù rằng tất nhiên theo quy luật có thể có những khâu dần được tách ra theo cơ chế thị trường.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Theo Báo cáo Cải cách độc quyền trong ngành điện ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2018, độc quyền nhà nước được trao cho DN nhà nước và ngành điện vẫn là ngành độc quyền cao khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa là người mua vừa là người bán duy nhất trên thị trường.

Mặc dù không còn là đơn vị duy nhất tham gia sản xuất điện, nhưng EVN (bao gồm các tổng công ty phát điện) vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trên thị trường phát điện, đồng thời vẫn là đơn vị duy nhất mua từ các nguồn phát điện, bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực và các đơn vị bán lẻ.

Đồng thời, EVN giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế. EVN có nhiệm vụ quyết định chiến lược, định hướng chiến lược phát triển ngành điện, phát triển các dự án điện, cân đối nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Với vai trò tuyệt đối trong ngành điện, EVN có quyền quyết định gần như tất cả các vấn đề trong ngành như việc mua điện từ đâu, giá mua điện…

Dẫn chứng tại khâu phát điện, CIEM cho biết EVN không còn độc quyền phát điện nhưng Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc vẫn đang chi phối thị trường phát điện. Tính đến hết năm 2016, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 42.135 MW, trong đó công suất nguồn điện do EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc sở hữu là 25.884 MW (chiếm tỷ lệ 61,4% toàn hệ thống), công suất các nguồn ngoài EVN là 16.251 MW (chiếm 38,6%). Do đó, trong thị trường phát điện, EVN có thể coi là đơn vị có sức mạnh thị trường đáng kể.

Bên cạnh EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Vinacomin- Power thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin) là hai nhà đầu tư độc lập (IPP) lớn nhất tại Việt Nam, góp phần cùng EVN tạo thành ba trụ cột của ngành điện với trên 76% tổng công suất.

Đây đều là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nên vấn đề chi phối của sở hữu nhà nước còn khá lớn, việc tạo lập thị trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà đầu tư nhỏ là vấn đề cần quan tâm.

Tại khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ, hiện nay, EVN đang nắm độc quyền các phân khúc từ mua buôn điện, truyền tải, phân phối/bán lẻ điện.

Để khắc phục vấn đề trên, CIEM cho rằng cần thực hiện cơ cấu lại ngành điện, đặc biệt tái cơ cấu EVN. Yêu cầu trước tiên để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy điện tham gia thị trường phải bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà máy điện thuộc EVN với các nhà máy điện các ngành khác ngoài EVN.

Đồng thời, việc thực hiện cấp độ thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh sẽ mở rộng sự tham gia đối với các đơn vị trong và ngoài EVN. Hiện, EVN đang nắm giữ hầu như toàn bộ bán buôn và bán lẻ. Thực hiện cấp độ này liên quan chặt chẽ tới nội dung tái cấu trúc EVN và cả ngành điện.

Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg.

Trong khi đó, phân tích khó khăn khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ông Franz Gerner, Điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khuyến nghị thời điểm đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh là rất quan trọng. Chính phủ nên xem xét kinh nghiệm quốc tế về chi phí và lợi ích của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng như thời điểm vận hành. Ông Franz Gerner cho biết kinh nghiệm từ các nước Mỹ Latinh cho thấy hầu hết các quốc gia đã ngừng thị trường bán lẻ cạnh tranh khi nhu cầu điện tiếp tục tăng nhanh và các khoản đầu tư mới vào phát điện và lưới điện không đến do sự bất định của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Tổ chức hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh là hướng chúng ta đang làm. Đây là hướng đi đúng. Thời gian tới, cần tái cơ cấu ngành điện, tạo điều kiện thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung ứng điện. Nhà nước chỉ còn giữ độc quyền trong lĩnh vực truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia.

Ts. Nguyễn Thành Sơn - Đại học Điện lực Hà Nội

Sau 13 năm bỏ lỡ cơ hội, người ta đã nhắc đến thị trường hóa ngành điện từ năm 2006, đến năm 2013 lại có quyết định về lộ trình thị trường hóa ngành điện. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam đang chỉ có duy nhất "một chợ" cho EVN độc quyền mua tận gốc, bán tận ngọn. Nhà nước chỉ nên độc quyền khâu truyền tải điện, là khâu trung gian giữa phát điện và phân phối điện.

Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Ngành điện cần tăng tính thị trường hơn nữa, đặc biệt trong khâu phân phối, bán lẻ điện (vẫn còn độc quyền của EVN). Theo đó, ngành cần phải cân nhắc tạo lập một thị trường có nhiều DN tham gia bán lẻ điện. Các DN có thể lấy điện cùng một nguồn nhưng cung cấp dịch vụ khác nhau. Thị trường bán lẻ điện có thể phát triển tương tự như mô hình phân phối bán lẻ của truyền hình cáp.