Ngân hàng lãi lớn, lãi suất sẽ giảm?
Đang thời điểm tốt giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại lãi lớn, nợ xấu giảm 2%, vấn đề là quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều ngân hàng vừa mới công bố mức lợi nhuận năm 2017 tăng cao so với năm trước như BIDV lãi 8.800 tỷ đồng, Vietcombank lãi 10.000 tỷ đồng.
Việc nhiều ngân hàng thương mại có mức lãi lớn, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú là phù hợp với kế hoạch đề ra hồi đầu năm 2017, phù hợp với tỷ suất lợi nhuận chung của nền kinh tế.
Theo ông Tú, 2017 là năm thắng lợi của ngành ngân hàng và tài chính là yếu tố tích cực. Nhiều ngân hàng thương mại có lãi, trong đó có những ngân hàng hầu như không lãi hoặc lãi rất thấp năm 2015-2016. Một số ngân hàng thuộc diện “0 đồng” năm nay chưa có lãi, nhưng đã khắc phục được nhiều khó khăn, cũng như xử lý một phần những khó khăn về tài chính.
Ngân hàng cũng như doanh nghiệp, kinh doanh phải có lợi nhuận. Cạnh đó, tăng năng lực tài chính còn là yếu tố quan trọng để ổn định hệ thống, vị Phó thống đốc nêu quan điểm.
Các ngân hàng thương mại có lãi lớn, ông Tú lưu ý, “cần cân đối một cách hợp lý giữa tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp”. Ông cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo hài hòa về lợi nhuận của các Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Thực ra, không khó để thấy rằng, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại tăng lên là nhờ hai yếu tố chính: Kinh tế tăng trưởng 6,81% kéo theo xu hướng phục hồi chung toàn nền kinh tế, doanh nghiệp trả được nợ.
Thêm nữa, việc nợ xấu được duy trì và kiểm soát ở mức dưới 3%, đặc biệt nợ xấu giảm mạnh ở cả nội bảng và ngoại bảng, cũng giúp các ngân hàng thương mại gia tăng lợi nhuận rất lớn.
Tính riêng nợ xấu ngoại bảng, năm 2016 là 10,6% nhưng đến năm 2017 đã giảm xuống 8,5%. Điều đó có nghĩa, nợ xấu đã giảm tới 2 điểm phần trăm của tổng dư nợ của nền kinh tế, khoảng 6 triệu tỷ đồng. Như vậy, 2% của 6 triệu tỷ là 120.000 tỷ đồng là một con số cực lớn.
Một điểm đáng lưu ý, lãi lớn khiến tài sản của hệ thống ngân hàng cũng tăng kéo theo quy mô tăng và nguồn thu cũng tăng lên. Thêm nữa, năm qua kinh tế tăng trưởng tốt nên nguồn thu của hệ thống ngân hàng cũng tốt hơn và nợ xấu giảm xuống.
Chẳng hạn, với BIDV, năm 2017, tổng tài sản đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016, trong khi tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với 2016.
Thêm nữa, năm nay dòng vốn bên ngoài vào rất nhiều. Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp) và FII (đầu tư gián tiếp) cũng vào khá mạnh, trong khi hoạt động ngân hàng không chỉ là cho vay, mà còn có các hoạt động khác, như kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ thanh toán… Khi dòng vốn vào và ra, các ngân hàng thương mại cũng thu được khoản lợi nhuận khá lớn.
“Phấn đấu giảm lãi suất cho vay” được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 10/2017 đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước, thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, cũng như giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm.
Chia sẻ với Nhịp cầu Đầu tư, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, nói rằng lãi suất được điều tiết bởi thị trường. Việc các ngân hàng thương mại lãi lớn, có thể là một điều kiện để xem xét khả năng giảm lãi suất.
Thế nhưng, vị chuyên gia này cũng nói rằng, giảm lãi suất phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước, bởi khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm lãi suất, các ngân hàng cũng sẽ đồng thuận.