Khó quản hóa đơn khống, doanh nghiệp ma

Theo enternews.vn

Thanh tra Chính phủ vừa công bố có 9.116 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ lên tới 3.537 tỷ đồng.

Tội phạm mua bán hóa đơn VAT nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ảo, mục đích chỉ để mua, bán hóa đơn. Ảnh: Nhóm đối tượng mua, bán hoá đơn GTGT đặt trụ sở làm việc tại quán cà phê “Yến”, số 35 D – phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận
Tội phạm mua bán hóa đơn VAT nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ảo, mục đích chỉ để mua, bán hóa đơn. Ảnh: Nhóm đối tượng mua, bán hoá đơn GTGT đặt trụ sở làm việc tại quán cà phê “Yến”, số 35 D – phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận

Đây là số liệu tại kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ký.

Vi phạm trốn thuế trên diện rộng

Qua kiểm tra tại các chi cục thuế tại TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ có 421 tờ hóa đơn bất hợp pháp do cơ quan công an chuyển đến nhưng Cục thuế xử lý chậm, không triệt để, dẫn đến quá thời hiệu xử phạt.

Cùng với đó, 10 tổ chức, 638 hộ gia đình, cá nhân nợ tiền đất quá hạn với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng, song cơ quan thuế chưa ra thông báo tính tiền chậm nộp.

Kết quả kiểm tra, xác minh hóa đơn phát hiện 13 doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn không đủ điều kiện để hoàn thuế, với số nợ thuế, tiền nộp chậm là 161 tỉ đồng.

TTCP cũng chỉ rõ vấn đề nợ thuế tại TP. Hồ Chí Minh hằng năm đều tăng, nhất là các khoản nợ trên 90 ngày nhưng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thiếu biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Ngoài ra, TTCP phát hiện có 18 doanh nghiệp có hiện tượng mua bán 349 tờ hóa đơn, với tổng số tiền trên 201,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này sau đó đã bỏ trốn, có dấu hiệu mua bán hóa đơn qua nhiều cấp trung gian ở địa bàn nhiều tỉnh, thành.

TTCP yêu cầu Cục thuế TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra, xử lý hình sự. TTCP kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xử lý truy thu, nộp về ngân sách nhà nước đối với 60 doanh nghiệp vi phạm 113,1 tỷ đồng.

Truy thu về ngân sách đối với 844 trường hợp, tính thiếu tiền chậm nộp là 19,4 tỷ đồng. Đối với 21.377 trường hợp tính thiếu tiền chậm nộp qua thanh tra, kiểm tra thuế số tiền 2,1 tỷ đồng truy thu nộp về ngân sách nhà nước.

Đối với 10 tổ chức và 638 hộ gia đình nợ tiền đất quá hạn, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện đôn đốc thu nợ, cưỡng thế thu với số tiền 100,7 tỷ đồng.

Đối với 9.116 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ là 3.537 tỷ đồng do TTCP kiểm tra phát hiện yêu cầu Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thanh tra toàn bộ thông tin, số doanh nghiệp nêu trên xác minh, xử lý theo thẩm quyền và truy thu về ngân sách.

Ngoài ra, TTCP kiến nghị làm rõ trách nhiệm kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có liên quan đến khuyết điểm đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân lãnh đạo để xảy ra thiếu sót, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chiêu thức mới

Sau thời gian có vẻ “án binh”, gần đây, tội phạm buôn bán hóa đơn GTGT (VAT) có dấu hiệu “hồi phục” bằng những chiêu thức mới, chiếm đoạt tài sản trị giá rất lớn. Theo đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (C15), thủ đoạn mới đang được nhiều đối tượng lợi dụng là hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ đầu vào để tham nhũng và trốn thuế, nhiều vụ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nếu trước đây, việc lập doanh nghiệp ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân và hoạt động đơn lẻ thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương.

Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.

Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hóa đầu vào cũng được lợi, bên mua bán hóa đơn cũng tiêu thụ được “hàng”.