Kiểm tra chặt chẽ doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Gần đây một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thông thoáng về điều kiện tự thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai, tự nộp thuế... để thành lập doanh nghiệp hoặc mua bán doanh nghiệp với mục đích in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, kiếm lời bất chính, gây thất thu cho ngân sách cho nhà nước.

Cán bộ Chi cụcThuế huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) kiểm tra thông tin về nghĩa vụ tài chính của DN. Ảnh: Đức Minh
Cán bộ Chi cụcThuế huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) kiểm tra thông tin về nghĩa vụ tài chính của DN. Ảnh: Đức Minh

Tổng cục thuế vừa tiếp tục có chỉ đạo (công văn số 4679/TCT-KTNB) cục thuế các địa phương nhận dạng hành vi vi phạm, kiểm tra, kiểm soát sát sao; thành lập tổ chuyên trách ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

9 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn

Căn cứ vào Thông tư 39/2014/TT-BTC, Tổng cục trưởng yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế lưu ý các tiêu chí nhận dạng doanh nghiệp (DN) có khả năng in, phát hành, bán hóa đơn bất hợp pháp.

Các cơ sở mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu: không đóng góp vốn điều lệ theo quy định, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ DN đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Các DN có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng (hoặc không có kho hàng hóa), không có xưởng sản xuất, lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10 lao động).

Các DN xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước phát luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý thuế.

Các DN mua bán, sát nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng.

Các DN nhỏ, DN vừa có doanh thu đột biến tăng (từ 50% trở lên) nhưng số thuế GTGT phát sinh nộp thấp (thuế GTGT phải nộp nhỏ hơn hoặc bằng 1% doanh số phát sinh trong kỳ).

Các DN có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước (tăng 2 đến 3 lần).

Các DN không có thông báo phát hành hóa đơn, hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo).

Các DN có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2.000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn đã sử dụng.

Các DN không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ phát sinh thấp (dưới 100 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục thuế, chi cục thuế có thể bổ sung thêm tiêu chí phù hợp với thực tế địa bàn quản lý thuế.

Lập tổ chuyên trách

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp thành lập Tổ công tác chuyên tiến hành rà soát và đưa danh sách cảnh báo DN có dấu hiệu rủi ro về mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Ngay trong tháng 10/2016, 63 cục thuế thành lập 63 tổ chuyên trách thực hiện việc phân tích, lựa chọn tối thiểu 20 DN có rủi ro cao về in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để tổ chức kiểm tra.

Trong quá trình triển khai thực hiện phát hiện các hành vi vi phạm, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật và truyền thông để xử lý, đưa tin nhằm răn đe, chặn đứng hành vi vi phạm về hóa đơn trên địa bàn.

Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, các cục thuế tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả triển khai, hành vi thủ đoạn mới, khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai thực hiện.