Tỉnh Đồng Tháp:
Khởi động lại các hoạt động khởi nghiệp
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp (DN), đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới là một trong những nội dung quan trọng được tỉnh quyết liệt thực hiện trong những tháng cuối năm 2021.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thông qua các hoạt động hỗ trợ tiền khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp 6 tháng đầu năm 2021, số lượng DN phát triển mới là 304 DN (đạt 50% so với kế hoạch) với tổng vốn đăng ký là 2.535 tỷ đồng, số DN thành lập mới tăng 45 DN (tương đương 17,37%) so với cùng kỳ năm 2020. Nổi bật là sự ra đời của Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp đã góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Theo đó, khi tình hình dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, tỉnh triển khai giãn cách xã hội, công tác hỗ trợ DN và khởi nghiệp chuyển sang tập trung thích ứng và phục hồi sản xuất, kinh doanh, nổi bật là triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo cho DN và khởi nghiệp theo hình thức trực tuyến về sáng tạo sản phẩm – mô hình kinh doanh; chuyển đổi số trong hoạt động sale và marketing; xây dựng câu chuyện thương hiệu – giúp kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh trên mạng xã hội Tiktok; xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tiếp cận nguồn vốn đầu tư; quản trị tài chính và vốn trong DN; chuyển đổi số - nâng cao năng suất lao động...
Bên cạnh đó, phối hợp Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp, Hội Doanh nhân trẻ và các đơn vị kết nối tiêu thụ nông sản và bán hàng trên kênh thương mại điện tử, Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Đồng Tháp kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh để mang trên 20 sản phẩm sang Ghana (châu Phi) giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường; triển khai chương trình ươm tạo đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng cho 15 dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển; các cuộc thi khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long do VCCI- Cần Thơ chủ trì tổ chức; cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2021; hỗ trợ hoàn thiện các hồ sơ dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp Quốc gia của Trung ương Đoàn...
Tuy nhiên, công tác phát triển DN cũng còn nhiều khó khăn, trong quý III/2021 chỉ có 46 DN thành lập mới, giảm 148 DN so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian tới, để hoạt động khởi nghiệp thích ứng với tình hình mới, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động như: hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, sản xuất - kinh doanh của các DN và khởi nghiệp; hỗ trợ kết nối thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh của DN và khởi nghiệp để thích ứng với sự thay đổi của thị trường; định hướng các giải pháp thích ứng với việc dịch chuyển lao động, sự thay đổi của thị trường; kết nối cung - cầu giữa các DN khởi nghiệp Đồng Tháp - miền Tây và miền Trung - miền Bắc,...;
Định hướng tổ chức chương trình hội thảo “Tái cấu trúc nền kinh tế địa phương” để lắng nghe ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước về những giải pháp phục hồi - phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam” (Eco-Fair) được Liên Minh châu Âu tài trợ, do các đối tác gồm VIRI, CCS, VNCPC (Việt Nam) và Funzi (Phần lan) thực hiện; tiếp tục hỗ trợ các dự án hoàn thiện hồ sơ tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Triển khai thực hiện việc cải tạo cơ sở hiện có để sớm đưa vào vận hành Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp; hình thành trung tâm dịch vụ tập trung để hỗ trợ DN và khởi nghiệp, chủ thể OCOP. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2021, phát triển được 470 DN mới (đạt 82,5% kế hoạch).