Khôi phục hoạt động thương mại - dịch vụ theo tiêu chí cụ thể

Theo Tiểu My/Báo Bình Dương

Đến nay, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các đơn vị kinh doanh thương mại sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang được các ngành, địa phương đơn vị tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị AEON Mall Bình Dương được kiểm soát chặt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ảnh: Tiểu My
Khách hàng mua sắm tại siêu thị AEON Mall Bình Dương được kiểm soát chặt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ảnh: Tiểu My

Bảo đảm an toàn

Tại các chợ truyền thống, hiện các địa phương tổ chức mở cửa trở lại đáp ứng tiêu chí cụ thể theo thang điểm do Sở Công thương tỉnh Bình Dương ban hành, giao UBND các huyện, thị, thành phố quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, tại các chợ được mở cửa, định kỳ xét nghiệm cho nhân viên, người lao động tại đơn vị (3 ngày/lần) và khách hàng mua sắm (khi có biểu hiện nghi ngờ).

“Chúng tôi làm việc với Ban Quản lý chợ về việc thành lập tổ an toàn COVID để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý tiểu thương, khách hàng và đơn vị cung cấp hàng hóa bảo đảm an toàn.

Đối với tiểu thương, thực hiện việc giãn cách giữa các quầy sạp hoặc làm màng ngăn chắn giữa tiểu thương với tiểu thương. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho các hoạt động thương mại - dịch vụ, địa phương từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống, không mở cửa ồ ạt để giữ vững an toàn cho “vùng xanh”, ông Thuận cho biết.

Tại huyện Dầu Tiếng, UBND huyện tăng cường chỉ đạo việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào chợ như khai báo y tế, đã tiêm ngừa theo quy định, xét nghiệm định kỳ… Trong trường hợp, phát hiện F0 (qua test nhanh định kỳ) tại chợ truyền thống, Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác, quản lý chợ chủ động liên hệ với UBND các xã, phường, thị trấn để đưa F0 đi cách ly thực hiện theo các hướng dẫn của y tế.

Đối với TP. Thuận An, ông Nguyễn Thành Úy - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết việc mở cửa các chợ tại các “vùng xanh” trên địa bàn vẫn được thực hiện hết sức thận trọng trên tiêu chí đánh giá nghiêm các thang điểm theo hướng dẫn của Sở Công thương. Thành phố chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường quản lý các chợ được phép mở cửa lại.

Đối với khách hàng, việc phát phiếu đi chợ (chia tần suất đi chợ) cho người dân theo ngày chẵn - lẻ hoặc theo khung giờ nhất định. Bố trí lực lượng kiểm soát thu lại thẻ vào chợ, lưu giữ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết. Các đơn vị cung cấp hàng hóa, thực hiện đúng các quy định của ngành giao thông về vận chuyển, phải có nhật ký hành trình di chuyển...

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt theo sự giám sát trực tiếp của ngành công thương. Theo ông Nguyễn Thành Chơn, quản lý mặt hàng tươi sống siêu thị AEON Mall Bình Dương, siêu thị thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo hướng dẫn đã ban hành.

Đối với nhân viên, người lao động, định kỳ xét nghiệm (3 ngày/lần); cấp giấy xác nhận đi lại (từ nơi ở đến nơi làm việc)… Đối với khách hàng, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, quét mã QR tại điểm kiểm dịch của siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, phải chịu sự sắp xếp, bố trí của doanh nghiệp khi đến mua hàng, bảo đảm giãn cách.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương quán triệt, trong tình huống phát hiện F0 (qua test nhanh định kỳ) cần bố trí cách ly tạm thời tại đơn vị, báo cho UBND các xã, phường, thị trấn để đưa đi cách ly điều trị, đồng thời báo Sở Công thương nắm tình hình. Đồng thời, tổ chức khử khuẩn, phân luồng, vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của cơ quan y tế toàn bộ diện tích kinh doanh tại đơn vị dưới sự giám sát của Sở Công thương.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, hiện nay UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy phép đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh) trên địa bàn theo hình thức bán hàng mang đi. Thiết lập “điểm kiểm dịch” bằng cách quét mã QR tại điểm kinh doanh, thực hiện sát khuẩn tay nhanh, đo thân nhiệt, bảo đảm giãn cách… Các chủ quán, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang trong quá trình phục vụ.

Các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn nắm danh sách tiểu thương hoạt động kinh doanh, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Thành lập tổ test nhanh COVID-19 (Đoàn Thanh niên, lực lượng dân phòng...) để test nhanh kháng nguyên định kỳ (3 ngày/lần) cho nhân viên, người lao động, tiểu thương kinh doanh tại chợ.

Hỗ trợ tiêm vắc xin cho shipper (theo danh sách đăng ký của doanh nghiệp). Có báo cáo định kỳ (tuần/lần) gửi về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, cho biết để hoạt động thương mại - dịch vụ dần khôi phục trong trạng thái “bình thường mới”, thời gian tới các địa phương được đề xuất chợ truyền thống được hoạt động trở lại, bảo đảm an toàn. Ban Quản lý, doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ xây dựng phương án sắp xếp, bố trí tiểu thương hoạt động kinh doanh tại chợ phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.