Khơi thông hoạt động mua – bán nợ
Hàng loạt tài sản bảo đảm cho các khoản nợ được ngân hàng liên tục rao bán nhưng rất nhiều trong đó đều không bán thành công. Do đó, để hoạt động mua bán nợ được diễn ra thông suốt, thị trường đang ngóng Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động.
Bán tài sản bảo đảm còn nhiều khó khăn
Lướt nhanh website của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thì thấy hoạt động rao bán khoản nợ diễn ra khá nhộn nhịp. Tài sản đem đấu giá cho các khoản nợ được ngân hàng rao bán đa dạng, từ: bất động sản, động sản, cho đến các khoản nợ… Tuy nhiên, việc rao bán nợ không phải lúc nào cũng thành công, có rất nhiều khoản nợ được rao bán nhiều lần, thậm chí có khoản rao bán tới 41 lần vẫn chưa có người mua.
Ngày 16/7, VietinBank Bắc Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Cát Tường để xử lý, thu hồi nợ vay. Tính đến ngày 15/6, dự nợ của khoản nợ này là 50.806.411.020 đồng, trong đó: Dư nợ gốc là 19.753.000.000 đồng; lãi cộng dồn là 22.591.525.792 đồng; lãi phạt cộng dồn là 8.461.885.228 đồng. Đây là lần thứ 3, VietinBank Bắc Hà Nội ra thông báo bán đấu giá khoản nợ này.
Ngoài khoản nợ trên, tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, VietinBank đã rao bán đấu giá 22 khoản nợ khác, trong đó có không ít khoản nợ được rao bán 2 lần, thậm chí có khoản nợ được rao bán 7 lần như: VietinBank Hai Bà Trưng rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Sợi Đông Phú tới 7 lần vẫn chưa bán thành công.
Hay tại BIDV, tính từ ngày 1 – 14/7, ngân hàng này đã rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của 19 khoản nợ. Đáng chú ý Chi nhánh Thành Nam (BIDV - Thành Nam) đã thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty CP Thuý Đạt, đây là lần thứ 41 khoản nợ này được rao bán.
Tính từ ngày 1-15/7, Agribank cũng rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của hơn 50 khoản nợ; hay Vietcombank cũng rao bán đấu giá tài sản cho 8 khoản nợ (bao gồm các khoản nợ là bất động sản và động sản).
Không chỉ các ngân hàng thuộc khối NHTM có vốn nhà nước, các ngân hàng trong khối NHTM cổ phần cũng đang rất tích cực rao bán đấu giá tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, ví như: Sacombank và Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group vừa rao bán đấu giá khoản nợ của loạt 5 khách hàng gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm, và bà Đàm Kim Phụng.
Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rao bán là dự án chung cư ở TP. Hồ Chí Minh, trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án nói trên, diện tích sử dụng 19.639m2…
Nhiều NHTM cổ phần khác nữa cũng đang rất tích cực rao bán đấu giá các khoản nợ là bất động sản, ô tô, cổ phiếu, các khoản nợ....
Hướng ra từ Sàn giao dịch nợ VAMC
Thực tế bán đấu giá tài sản bảo đảm tại các NHTM cho thấy xuất hiện kha khá những khó khăn. Do vậy, việc Sàn giao dịch nợ VAMC đang ở những bước cuối cùng để khai trương đưa vào hoạt động ngay trong quý III/2021 đang được kỳ vọng giúp hoạt động mua bán nợ diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.
Được biết, Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu từ đó nâng cao vị thế, vai trò của VAMC, qua đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.
“Sàn giao dịch nợ là một tập hợp gồm các câu lạc bộ xử lý nợ xấu (AMC) từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng, các doanh nghiệp/cá nhân có nhu cầu mua bán nợ. Sàn giao dịch nợ là trung gian, là chợ kết nối mua bán nợ và tài sản giữa các thành viên với nhau”, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC chia sẻ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc Sàn giao dịch nợ VAMC sắp đi vào hoạt động là tin vui với thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng và Nghị quyết 42/2017/QH14 chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ hết hiệu lực. Áp lực nợ xấu lên các ngân hàng đang tăng dần, do vậy, khi Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động sẽ giúp nhiều thành phần cùng tham gia, giúp hoạt động mua bán nợ diễn ra thông thoáng theo đúng cơ chế kinh tế thị trường.
Trả lời báo chí bên lề Hội nghị thường niên lần thứ nhất nhiệm kỳ VII, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đánh giá, việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC là động thái phù hợp và kịp thời. Khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ giúp hoạt động mua – bán nợ diễn ra thông thoáng hơn, minh bạch và công khai hơn. Qua đó hỗ trợ các ngân hàng xử lý các khoản nợ là tài sản bảo đảm đạt hiệu quả cao hơn.