Khơi vốn cho doanh nghiệp
(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) đang đứng trước các cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn trước khi tín dụng được nới lỏng và xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng, bài viết sẽ “mổ xẻ” thêm về cơ hội khơi vốn trên thị trường cho DN nhìn từ góc độ nợ xấu của các ngân hàng.
BIỂU ĐỒ LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VÀ CHO VAY TỪ THÁNG 6/2011 ĐẾN THÁNG 12/2013
Những nghịch lí...
Theo ThS. Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - chuyên gia Tài chính Đầu tư, có rất nhiều vấn đề cần bàn xung quanh nợ xấu và Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, điều mà ông quan tâm nhất hiện nay không phải là con số nợ đã được cơ cấu mà là bản chất nợ xấu – Nợ xấu có thực xấu, xấu tới đâu. Bởi qua quá trình tư vấn cho nhiều DN, ông nhận được một số các phản hồi khá nghịch lí: DN có nhu cầu được cơ cấu nợ nhưng cũng không dễ để được cơ cấu. Muốn khoanh nợ, muốn được giãn nợ, gia hạn trả nợ, cho dù DN có phương án tiếp tục kinh doanh đủ đảm bảo trả lãi ngân hàng khi được ân hạn kéo dài thời gian đáo hạn nợ gốc, đều rất khó. Trường hợp này theo ông Hoàn rơi vào nhiều nhóm các DN lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng và cơ khí quy mô nhỏ nhưng có dự án và nhà máy tốt.
Và trong nhiều tình huống, khi DN muốn nhưng không được ân hạn nợ, một số ngân hàng - chủ nợ đã gợi ý cho DN bán tài sản, dự án, nhà máy… cho đối tác mà ngân hàng giới thiệu hoặc cho chính người mua là ngân hàng. Giá mua tất nhiên đã được chiết khấu xuống còn rất thấp, chẳng khác nào DN gán dự án, tài sản cho ngân hàng tự chủ động phát mãi, và ngân hàng lại không phải phát mãi mà thực tế vẫn đủ tiền thu hồi nợ hoặc có thêm phí môi giới mua bán tài sản. Đôi bên, ba bên tưởng chừng đều có lợi nhưng thực ra đó chính là hình thức nhanh nhất đẩy DN đến chỗ chết. Chết tức mà không biết kêu ai vì rõ ràng DN vẫn đang nợ ngân hàng. Không bán tài sản thì phải chấp nhận phát mãi. Kết cục là như nhau!
Hiện tượng ngân hàng thừa vốn nhưng DN không tiếp cận được vốn ngân hàng, còn được cho có nguyên bởi DN không đáp ứng tiêu chuẩn thẩm định tín dụng để vay mới, hoặc còn vướng các khoản nợ cũ nên ngân hàng không dám cho vay thêm… Nhiều chủ công ty cho biết còn do một số ngân hàng đang bắt DN phải chịu một số các chi phí phát sinh, chẳng hạn như chi phí đảo nợ. Mức DN chịu chi dịch vụ theo “giá thị trường” đang có khoảng 3-5%.
Một chuyên viên ngân hàng tiết lộ cũng tùy từng khoản, nếu giá trị lớn thì chi phí thấp hơn, ví dụ trên 100 tỉ đồng thì chi phí dịch vụ đảo nợ sẽ chỉ khoảng… 1%, còn nếu chỉ vài ba tỷ đồng thì nhiều khi chịu chi phí dịch vụ tới 3%, ngân hàng cũng không mặn mà. Chi phí dịch vụ tất nhiên chưa kể lãi vay khoản tiền dùng để trả nợ ngân hàng trước, rút trả lại sau với. Thậm chí nếu tính gộp, mức phí DN sẽ phải "cõng" tới 18-19% /năm cho một lần đảo nợ.
Một nghịch lý khác không phải không phổ biến, vẫn là chuyện chi phí “lobby” cho các khoản vay, hoặc để hạ lãi suất khoản vay cũ. Một DN tài chính đang muốn đầu tư một dự án địa ốc ở Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh không muốn nêu tên nói dự án của DN dự án của ông khá tốt, có phương án và triển vọng bán hàng thu lãi nhìn thấy được nhưng khi nộp hồ sơ vay ngân hàng, bị “ngâm” cả nửa năm nay do ngân hàng úp mở chi phí “bôi trơn” quá cao, bản thân DN ông thì không muốn làm như vậy…
Có hay không những nghịch lí này, lại cũng là một câu hỏi.
Mong đợi “bà đỡ”
Giải pháp lúc này đối với cả DN và ngân hàng, có lẽ nói đúng như TS. Trần Du Lịch, vẫn là trông đợi vào “bà đỡ của nền kinh tế” - Nhà nước!
Phân tích vai trò của “bà đỡ” lúc này, ThS. Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho biết, ở góc độ cơ quan quản lí hệ thống tiền tệ quốc gia, những tính toán để tác động giảm lãi suất cho vay đối với DN và người dân là điều mà Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm. “Hiện tại, các ngân hàng đã ra sức hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 8-10% nhưng thực tế mọi khoản vay mới không tính các thời gian ưu đãi rất ngắn đều phải trên 10%, trừ DN xuất khẩu có L/C tốt. Vậy chỉ có cách Ngân hàng Nhà nước sớm điều tiết vốn giá rẻ căn cứ trên mức lãi suất đã ban hành, qua kênh tái thế chấp trái phiếu đặc biệt. Cùng với đó, song song đẩy mạnh tiến độ mua nợ xấu của VAMC với mục tiêu 70.000 tỉ đồng trong năm 2014. Nợ xấu càng giảm, trái phiếu đặc biệt càng tăng, ngân hàng càng rộng chỗ và có thêm nguồn vốn giá rẻ để chủ động cơ cấu vốn hỗ trợ DN. Còn nếu không, với lãi suất huy động 7% như hiện nay, dù nỗ lực đồng hành tới đâu và khuyến mãi tiếp thị như thế nào, tính ra ngân hàng cũng không thể đưa lãi suất vay về dưới 10%, đặc biệt cho các khoản vay trên 1 năm đối với DN”.
Bộ phận phân tích BSC cho biết ở góc nhìn tích cực, quyết định không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 khiến các ngân hàng sẽ phải đẩy nhanh bán nợ xấu cho VAMC và do vậy VAMC hoàn toàn có thể hoàn thành chỉ tiêu mua từ 70.000 – 100.000 tỉ nợ xấu trong năm 2014. Khối lượng mua vào của VAMC vì vậy sẽ không còn là thông tin quan trọng, tuy nhiên thị trường sẽ chú ý nhiều đến hiệu quả và tiến độ xử lý nợ xấu qua các hình thức bán, cơ cấu, tái cấu trúc, hỗ trợ vốn. Như vậy, không hoãn Thông tư 02 nhưng điều chỉnh “mềm mại” hơn các nội dung cũng là một cách để “bà đỡ” hệ thống tiền tệ giúp các ngân hàng vừa tiến vừa lùi trong bối cảnh mà hệ thống ngân hàng vẫn đang phải tiếp tục tái cấu trúc hiện nay.
Ở góc nhìn vĩ mô, vai trò của “bà đỡ nền kinh tế” cũng đang trông đợi vào kế hoạch đầu tư công – đầu tư cơ sở hạ tầng năm 2014. Dự kiến đây sẽ là một cú hích trúng ba mục tiêu: Đưa vốn vào nền kinh tế để đẩy mạnh sức cầu, giải phóng một phần hàng tồn kho đặc biệt về vật liệu xâu dựng và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, gia tăng sức mua chung; cải thiện cơ sở hạ tầng thu hút FDI, mở rộng các hình thức thu hút vốn ngoài đầu tư Nhà nước vào lĩnh vực hạ tầng để thu hút ngoại tệ, giảm áp lực với tỷ giá và hỗ trợ xuất khẩu…
Tín dụng ra nền kinh tế không còn phụ thuộc lãi suất
Căn cứ vào diễn biến và kỳ vọng của lạm phát (chỉ tăng 6,02% trong năm 2013 và khoảng 5,5%-6% trong năm 2014) kết hợp với dự báo tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 2%, để duy trì lãi suất thực dương cũng như sức hấp dẫn tương đối của đồng Việt NamD so với đồng USD, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm 2014 theo quan điểm của chúng tôi là ít. Trong khi đó, về lãi suất cho vay, mặc dù nhiều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, giúp các DN bớt khó khăn nhưng rõ ràng mặt bằng lãi suất cho vay như kể trên cũng đã lùi về ngang với mặt bằng lãi suất của năm 2005-2006. Theo đó, việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố lãi suất mà chủ yếu đến từ vấn đề nợ xấu cũng như khả năng hấp thụ vốn của các DN còn yếu trong bối cảnh sức cầu phục hồi chưa mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các NHTM hiện cũng phổ biến ở mức khá thấp chỉ 2,8%-3%. Vì vậy, theo chúng tôi, khả năng giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là những khoản vay mới, trong thời gian tới là khá thấp. Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ ổn định và duy trì quanh mức của cuối năm 2013.
Tuy vậy, dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2014 sẽ cao hơn so với năm 2013 và có thể sẽ đạt mức 13%-15% khi nợ xấu được kỳ vọng sẽ giảm và cầu đầu tư phần nào được cải thiện. Chúng tôi nhận thấy rằng các NHTM đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc áp dụng Thông tư 02 và Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra khả năng sẽ điều chỉnh một số quy định của thông tư này để phù hợp hơn với thực tiễn ngành ngân hàng Việt Nam.
Về phía DN, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 51% DN cho biết sẽ giữ nguyên quy mô, trong khi có đến 42% dự kiến sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ có khoảng 7% có thể sẽ thu hẹp quy mô sản xuất trong năm 2014. Với dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và phục hồi tốt hơn trong năm 2014, từ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN lớn đã đứng vững qua thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế, có kỳ vọng khả năng hấp thụ vốn của các DN hay rộng hơn là cầu đầu tư sẽ dần được cải thiện. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, nhiều NHTM, đặc biệt là các NHTM lớn, cũng dự kiến sẽ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2013.
Bộ phận Phân tích CTCK Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam