Không chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
Dù mới chỉ hết quý I, song công tác giải ngân vốn đầu tư đang được các bộ ngành địa phương đặc biệt chú trọng để có thể sớm đưa nguồn vốn quan trọng này đi vào cuộc sống, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mới giải ngân được 9,69%
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư năm 2023 từ đầu năm đến hết tháng 3 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 72.231,249 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052,168 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch); vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán, đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Đối với vốn nước ngoài, do nhiều dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu, nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Đáng chú ý, hiện vẫn còn trên 71.941 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, chiếm 10,17% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng) chưa được phân bổ chi tiết. Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết vốn này đã được chỉ ra cụ thể. Theo đó, đối với nguồn vốn trong nước chưa phân bổ hết là do các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023.
Một số dự án thuộc chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn (Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 8/3/2023) hiện nay đang được các bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023.
Ngoài ra, còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; đường Vành đai 4 vùng thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); Kè đầm Cù Mông - tỉnh Phú Yên; cầu Văn Ly và đường dẫn - tỉnh Quảng Nam.
Nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân
Được biết, năm 2023 tổng số vốn đầu tư công cần phải giải ngân là hơn 771.242 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã có những biện pháp quan trọng để thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Đơn cử như tại Hà Nội, đây là một trong những địa phương có số vốn đầu tư công cần phải giải ngân lớn hàng đầu cả nước. Nhận tức được tầm quan trọng của công việc này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6 năm nay khoảng 40 - 45%; phấn đấu cả năm 2023 đạt từ 95 đến 100% kế hoạch đề ra.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư; yêu cầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án…
Đáng chú ý, đối với các dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng, UBND TP Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân; đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giải quyết hoặc báo cáo UBND TP. Hà Nội đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.
Còn tại Hà Giang, đây là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp thứ 2 cả nước ước đến hết tháng 3 với tỷ lệ chỉ đạt 3,98% tổng kế hoạch vốn được giao. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Hà Giang hiện đang đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, do đó phải đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng các dự án, công trình; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, tỉnh Hà Giang yêu cầu các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND Tỉnh và nêu cao trách nhiệm trong việc rà soát, phân tích và ký cam kết giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được giao.
Đặc biệt, chú trọng công tác này, tỉnh Hậu Giang mới đây đã phát động thi đua trong giải ngân vốn đầu tư để lập thành tích chào mừng 20 năm ngày thành Tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý đầu tư công, giải ngân đến ngày 31/12/2023 đạt tối thiểu 95%, đến ngày 31/1/2024 đạt tối thiểu 97% theo kế hoạch vốn.
Riêng nguồn vốn đầu tư công kéo dài năm 2022 sang năm 2023 thực hiện giải ngân đạt 100% trước ngày 1/10/2023. Tỉnh Hậu Giang đã ra tối hậu thư đối với các chủ đầu tư đó là kiên quyết không nghiệm thu các công trình không đáp ứng yêu cầu về thiết kế và chất lượng.