Không có chuyện “thuế chồng thuế” đối với xăng, dầu

PV.

Đó là khẳng định của ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trước các vướng mắc của phóng viên báo chí về thuế xăng, dầu tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính vừa qua.

 Bộ Tài chính khẳng định, cách tính thuế xăng, dầu của Bộ thời gian qua là hoàn toàn chính xác và theo quy định của pháp luật. Nguồn: internet
Bộ Tài chính khẳng định, cách tính thuế xăng, dầu của Bộ thời gian qua là hoàn toàn chính xác và theo quy định của pháp luật. Nguồn: internet

Theo đó, ông Phạm Đình Thi cho biết, không có chuyện “thuế chồng thuế” vì xăng, dầu cũng như nhiều mặt hàng khác đều phải chịu nhiều sắc thuế cùng lúc. Đây là điểm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có thể nói, hiện nay, hệ thống thuế của Việt Nam đã tiệm cận dần với thông lệ thế giới.

Ông Thi cho biết, nội dung này trước đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, mỗi sắc thuế có mục tiêu điều chỉnh khác nhau. Đối với xăng khi nhập khẩu vào Việt Nam, trước hết sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, sau đó là nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tại khâu nhập khẩu.

Ngoài ra, xăng còn chịu thêm thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít), phần trích Quỹ bình ổn giá (300 đồng/lít) và cuối cùng thuế giá trị gia tăng là 10%.

Ông thi cũng khẳng định, không có chuyện tỷ trọng thuế trong giá bán cũng như mức giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang quá cao như các ý kiến của phóng viên báo chí.

Thậm chí, tỷ trọng thuế và giá bán lẻ của các nước bên cạnh còn cao hơn. Như vậy, nếu giá bán xăng dầu của Việt Nam thấp hơn nữa thì xảy ra tình trạng buôn lậu là điều không thể tránh khỏi.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thi cho biết, hiện nay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở của mặt hàng xăng RON 92 là 41,5%; của dầu diesel là 2,5%; của dầu hỏa là 11,4% và tỷ trọng thuế trong giá bán xăng tại Việt Nam hiện thấp hơn nhiều nước.

Cụ thể, tại Hàn Quốc, tỷ trọng thuế là 70,3%, trong đó thuế giao thông là 35,4% đối với xăng, 30% đối với dầu, còn lại là thuế giá trị gia tăng và các sắc thuế khác. Tương tự, tại Lào là 56% trong đó thuế nhập khẩu 15%, thuế tiêu thụ đặc biệt 20%, thuế giá trị gia tăng 10%, phí cầu đường khoảng 8%.

Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có thuế suất giá trị gia tăng phổ thông 10% thấp nhất trên thế giới, trong khi mức phổ thông tại Campuchia là 15%, Trung Quốc là 17%, Italy là 19%, Pháp là 19%, Đan Mạch là 25%...

Ông Thi cũng cho biết, mức giá bán lẻ xăng của Việt Nam hiện đang ở mức 0,74 USD/lít, trong khi đó giá bán tại Trung Quốc là 0,94 USD/lít; Lào 1,09 USD/lít; Singapore là 1,34 USD/lít; Thái Lan 0,91 USD/lít; Philippine là 0,89 USD/lít; Hong Kong 1,86 USD/lít và Đài Loan 0,75 USD/lít.

Bên cạnh đó, nếu so sánh mức giá bán tại các nước vừa nhập khẩu vừa sản xuất trong nước tương tự như Việt Nam, có thể thấy Đức đang bán 1,45 USD/lít; Bỉ 1,44 USD/lít; Pháp 1,44 USD/lít; Phần Lan 1,51 USD/lít.

Giải đáp về vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, ông Thi khẳng định, hiện nay, Quỹ bình ổn giá được giao cho 25 doanh nghiệp làm đầu mối. Đồng thời, mức trích 300 đồng/lít làm quỹ là để doanh nghiệp sử dụng để bù lỗ, bình ổn giá khi giá tăng theo Nghị định 83 của Chính phủ.

Như vậy, thực chất, tiền trong quỹ này là của dân thì vẫn lại đưa ra phục vụ dân và người dân vẫn được hưởng lợi, Nhà nước không sử dụng số tiền này.

Về cách tính thuế mới theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, ông Thi cho biết, theo quy định mới áp dụng từ 1/7, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng được thực hiện là giá của nhà nhập khẩu bán ra nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nhà nhập khẩu.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định, cách tính thuế xăng, dầu của Bộ thời gian qua là hoàn toàn chính xác và theo quy định của pháp luật.