Không còn sức ép về tăng trưởng tín dụng?
Thời gian qua, vốn cho nền kinh tế đã được mở rộng qua nhiều kênh khác nhau như chứng khoán, bảo hiểm, đóng góp của khu vực FDI cùng với chất lượng dòng tín dụng ngày càng cải thiện. Điều này đã giúp việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay không còn sức ép về tăng trưởng tín dụng.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thông thường nguồn vốn nói chung và tín dụng nói riêng tác động thuận chiều đến tăng trưởng kinh tế, nghĩa là muốn tốc độ tăng GDP cao thì phải tăng đầu tư cao. Tuy nhiên, cách tính này dường như không còn phù hợp trong khoảng hai năm trở lại đây.
Tín dụng và GDP "đi" ngược chiều
Sau nhiều năm tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng GDP luôn "song hành" cùng nhau thì kể từ năm 2017 đã có độ "vênh" lớn.
Nhìn lại năm 2017 có thể thấy, tín dụng chỉ tăng 18,17% (thấp hơn mức tăng năm 2016 là 18,71%), thế nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,81%, cao hơn mức tăng của các năm 2011-2016.
Tương tự trong năm 2018, sự chênh lệch này vẫn tiếp tục được duy trì. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra con số ước tính tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 đạt khoảng 14%, trong khi tăng trưởng GDP đạt 7,08% – cao nhất trong vòng 10 năm qua. Điều này cho thấy tín dụng không còn là nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế như trước.
Vậy, điều gì ẩn sau diễn biến trái chiều giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay?
Theo phân tích của các chuyên gia, có sự chênh lệch trên là do tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm dần sự phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.
Thị trường vốn đã có những chuyển động tốt, thể hiện qua giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP đã tăng tới 70%. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP chỉ còn ở mức 131%.
Thứ hai, chất lượng dòng tín dụng ngày càng cải thiện. Theo thống kê của NHNN, năm 2018, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực bằng việc điều chỉnh dòng vốn huy động ngắn hạn của hệ thống ngân hàng để cho vay trung dài hạn đã được giảm xuống mức 45% và 40% từ ngày 1/1/2019, đồng thời quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản là 200%.
Theo đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Như vậy, tín dụng đã chảy chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng GDP chứ không còn tập trung vào các lĩnh vực đầu cơ như bất động sản, chứng khoán như nhiều năm trước.
Bước sang năm 2019, xu hướng ổn định tăng trưởng tín dụng của năm 2018 tiếp tục được duy trì. NHNN bước đầu đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14%, với phương châm mở rộng tín dụng gắn liền với an toàn và hiệu quả.
Mục tiêu tín dụng tăng 14%
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% là phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi mà các kênh đầu tư của nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn, gắn với tăng trưởng GDP đạt mức cao.
Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng trong một thị trường tài chính hoàn hảo có hai cấu phần: Cấu phần thứ nhất là thị trường tiền tệ, chuyên lo toan dòng vốn ngắn hạn; Cấu phần thứ hai là thị trường vốn, chuyên lo toan dòng vốn trung dài hạn của nền kinh tế.
Hiện, chuyển biến thị trường tài chính Việt Nam khá tốt, thể hiện ở chỗ hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn; thị trường tiền tệ đã giải quyết cơ bản vấn đề nợ xấu.
Theo ước tính của NHNN, đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, thị trường vốn đã có chuyển biến tích cực, có nhiều giải pháp căn cơ như: áp dụng các chuẩn mực, ứng dụng các công cụ phái sinh trong kinh doanh mua bán chứng khoán, các dịch vụ tài chính… mà các thị trường vốn phát triển trên thế giới đang áp dụng.
Do đó, ông Phước cho rằng nếu kiên trì đi theo con đường này trong 3 – 5 năm tới sẽ dần cân bằng được nguồn vốn đi vào nền kinh tế, không còn sự phụ thuộc phần lớn vào tín dụng.
"Trong những năm tới, NHNN sẽ không vội vã điều chỉnh dòng tín dụng vào nền kinh tế. Điều quan trọng vẫn là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi vào những lĩnh vực hỗ trợ cho tăng trưởng, chứ không phải những lĩnh vực tạo ra rủi ro cho nền kinh tế", ông Phước nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2019 tiếp tục là giới hạn khó có điều chỉnh lớn cho mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết định hướng có gợi mở, NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đáp ứng được các chuẩn mực Basel 2 thì sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.