Không được trích lại kinh phí xử phạt vi phạm hành chính
Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước nên không có cơ sở để thực hiện việc trích lại kinh phí xử phạt vi phạm hành chính phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh về đề nghị bổ sung quy định trích lại kinh phí xử phạt vi phạm hành chính phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.
Theo Bộ Tài chính, tại điểm i khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:
“Điều 35. Nguồn thu của ngân sách trung ương
- Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:
...
- i) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện;”
Tại điểm q khoản 1 Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:
“Điều 37. Nguồn thu của ngân sách địa phương
- Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%:
...
- q) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện;”
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 83 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt) quy định: “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.
Như vậy, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, Thông tư 105/2014/TT-BTC ngày 07/08/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 153/2013/TT-BTC. Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 153/2013/TT-BTC quy định nội dung chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các lực lượng xử phạt; việc lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 153/2013/TT-BTC.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước nên không có cơ sở để thực hiện việc trích lại kinh phí xử phạt vi phạm hành chính phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (đối với nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước) và Luật Đầu tư công (đối với nguồn vốn đầu tư công).