Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam:
Không gian cho doanh nghiệp Việt sẽ thu hẹp lại?
"Doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất những ngành tiên tiến hơn Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên sẽ khó hơn."
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nói về lần đầu tiên trong lịch sử thâm hụt thương mại với Hàn Quốc 6 tháng đầu năm đã vượt Trung Quốc.
Hàn Quốc đã có sự vươn lên rõ rệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Báo cáo Kinh tế quý II/2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR chỉ ra Hàn Quốc đang thay thế Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia Việt Nam có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 22,5 tỷ USD. Nhập khẩu chủ yếu đến từ các mặt hàng máy móc thiết bị; điện tử, máy tính và linh kiện tăng; điện thoại và linh kiện.
Đặc biệt, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 123,5% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD.
Nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có giá trị lớn nhất với 14,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Hàn Quốc giữ ngôi đầu (thay thế cho Trung Quốc) về thị trường cung cấp máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng cho Việt Nam với kim ngạch 4,94 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 128% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc sau nhiều năm giữ vị trí số 1 đã phải lùi về thứ hai với 4,41 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,3%; Nhật Bản đứng thứ ba với kim ngạch đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,2%. Ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng là nhiều nhất với 4,93 tỉ đô la Mỹ, tăng 42,7%; kế đến mới là Trung Quốc (2,68 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,7%); Đài Loan (1,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 26%).
Dù vẫn là quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất với 27,1 tỷ USD trong vòng 6 tháng qua nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đã không còn lớn như trước.
Theo đó, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD cao hơn nhiều so với mức 14,1 tỷ USD của Trung Quốc.
Không gian cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu hẹp lại?
Có thể thấy Hàn Quốc đã có sự vươn lên rõ rệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam (là đối tác có vốn FDI đăng ký đứng thứ hai trong năm tháng đầu năm), kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc gia tăng.
Tiếp đến, những tác động từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) - có hiệu lực từ cuối năm 2015 - đang dần giúp đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.
Nhưng có vẻ như Hàn Quốc đang tận dụng điều này tốt hơn Việt Nam khi xuất khẩu của ta sang họ tăng 34,4% nhưng nhập khẩu từ họ sang ta lại tăng tới 52%. Điều này khiến cho Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chuyển dịch thâm hụt thương mại từ Trung Quốc sang Hàn Quốc sẽ phần nào giảm sức ép từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc tăng ảnh hưởng của Hàn Quốc sẽ tạo trần cho doanh nghiệp Việt Nam khó vượt qua.
"Doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất những ngành tiên tiến hơn Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên sẽ khó hơn. Trước đây, Việt Nam chỉ bị chặn ở dưới bởi hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây còn bị chặn bởi hàng của Hàn Quốc cao cấp hơn. Như vậy, không gian cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu hẹp lại", bà Lan phân tích.
Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cần hết sức lưu ý tới sự chuyển dịch thương mại này bởi đây có thể sẽ là một thử thách với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thương mại, nhập siêu từ Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc", TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận xét. Điều này đã được dự báo từ 2 - 3 năm trước theo quan sát của VEPR.
TS. Thành cũng cho biết bản chất của việc nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc là khác nhau. Trong khi nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu do các mặt hàng phổ thông từ các thị trường hàng hóa như Quảng Châu, do Trung Quốc hiện được coi như công xưởng khổng lồ của thế giới.
Còn với Hàn Quốc, nhập siêu gắn liền với quá trình đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhà đầu tư Hàn Quốc dùng chính tiền đầu tư quay lại nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất tại Việt Nam.
Hiện Hàn Quốc đang là quốc gia đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam với 50,5 tỷ USD kể từ năm 1988, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, như Samsung đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Hoạt động của Samsung còn ảnh hưởng lớn đến các chỉ số tăng trưởng nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Thành lưu ý, hiện nay Trung Quốc chưa có đầu tư nhiều đầu tư vào Việt Nam, nếu có nhiều đầu tư, nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng lên, lớn hơn nữa.