Xây dựng và phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

Nguyễn Thị Thu Hà

Hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc hiện nay được hình thành bởi các chiến lược vĩ mô, chính sách của từng ngành, từng giai đoạn với những nội dung nhất quán cụ thể và khả thi. Theo chính sách này, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ trở thành một trong “7 cường quốc kinh tế xanh” vào năm 2020 và một trong “5 cường quốc kinh tế xanh” của thế giới vào năm 2050. Nghiên cứu thực tiễn triển khai chính chính sách tăng trưởng kinh tế xanh của Hàn Quốc, để rút những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh là điều cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan về xây dựng và phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc

Sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, nhằm để ứng phó với những tác động và vượt qua khó khăn chung, Hàn Quốc đã nghiên cứu và triển khai hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh, kết hợp giải quyết khó khăn về kinh tế với nhiều chương trình kích thích quan trọng cho chi tiêu xanh. Điển hình như:

- Lựa chọn cơ cấu ngành dựa trên lợi thế so sánh của đất nước, để phát triển mạnh các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như: dệt may, tơ sợi, giầy dép và các sản phẩm thuộc da.

- Lựa chọn mô hình chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa “rút ngắn” thời kỳ xây dựng cơ cấu ngành thay thế nhập khẩu, chuyển sang xây dựng cơ cấu ngành hướng về xuất khẩu. Q uá trình chuyển đổi cơ cấu ngành của Hàn Quốc là bắt đầu từ cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, từ công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn sang công nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhưng với thời gian rút ngắn hơn.

- Thực thi hoạt động chính sách tự do hóa thương mại, nới lỏng các hạn chế đối với việc nhập khẩu các mặt hàng chế tạo, thực hiện tự do hóa nhập khẩu; Bỏ hàng rào phi thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính; Đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, củng cố và phát triển nền công nghệ của Hàn Quốc.

- Chuyển đổi cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Hàn Quốc xác định xuất khẩu tạo ra chu trình liên hoàn với quá trình nhập khẩu và đầu tư (xuất khẩu - nhập khẩu - đầu tư - xuất khẩu), đóng vai trò chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa và áp dụng  nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh ba hoạt động này.

- Lựa chọn một cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu khá linh hoạt (thị trường ngách) theo hướng đa dạng hóa để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Suốt ba thập kỷ qua, thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản và một số nước OECD. Khi đạt thặng dư thương mại với Mỹ, Hàn Quốc mở rộng sang các nước thị trường lớn cho cả hàng hóa vật chất và hàng hóa dịch vụ, đến Nhật Bản, đến EU, Đông Nam Á.

- Coi trọng chính sách nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích tư nhân hoạt động R&D, nỗ lực nắm bắt và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật để đuổi kịp các nước tiên tiến; Khuyến khích liên kết các ngành công nghiệp, các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ cao.

- Thực hiện cơ chế kết hợp linh hoạt “Chính phủ cứng và thị trường mềm” trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cũng giống như Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn tài phiệt Chaebol, khuyến khích và ủng hộ mọi mặt cho sự phát triển của Chaebol. Cùng với khu vực tư nhân đặc biệt là các Chaebol những công ty xuyên quốc gia lớn, các xí nghiệp nhà nước của Hàn Quốc cũng đóng vai trò lớn trong thúc đẩy công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được bước đầu cho thấy, chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi, đem lại động lực tăng trưởng mới cho quốc gia này cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh. Với chính sách tăng trưởng xanh này, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ trở thành một trong “7 cường quốc kinh tế xanh” vào năm 2020 và một trong “5 cường quốc kinh tế xanh” của thế giới vào năm 2050.

Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm trong triển khai chiến lược kinh tế xanh của Hàn Quốc và các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam đang hoàn thiện và phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh với mục tiêu đến năm 2050, năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu chính là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.

Tuy nhiên, để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra Việt Nam cần sớm giải quyết triệt để những vấn đề trọng tâm như sau:

- Các giải pháp chiến lược tuy đã được đưa ra để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, song vẫn còn nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn lực. Do đó, thời gian tới cần nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự tham gia của hệ thống chính trị, để kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan tới sự chuyển đổi và cải cách về thể chế, tổng hợp được sức mạnh để phối hợp những quan điểm và lợi ích khác nhau.

- Kiên trì mô hình kinh tế thị trường mở và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế dựa vào tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh “tĩnh” và “động” của đất nước. Thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá mức vào một số thị trường nước ngoài.

- Điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế theo hướng “rút ngắn”, chuyển từ cơ cấu phát triển các ngành có hàm lượng lao động cao sang các ngành có hàm lượng vốn, công nghệ cao, có khả năng tiếp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đứng vững được trong cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và nước ngoài. Lựa chọn những ngành có thế mạnh để mở cửa cạnh tranh, chỉ bảo hộ có chọn lọc, có địa chỉ, có thời hạn những ngành, lĩnh vực có khả năng cạnh tranh trong tương lai.

- Xác định đúng đắn vị trí đặc biệt quan trọng của ngành Nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm điểm tựa khởi đầu để phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Cải cách và phát triển hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia phù hợp với sự chuyển dịch nhanh và phổ biến của dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế. Điều chỉnh cơ cấu vốn vay, trả nợ một cách linh hoạt và có sự kiểm soát theo hướng cân đối với quy hoạch đầu tư phát triển, cơ cấu ngành đã lựa chọn.

- Cần hoạch định chính sách cơ cấu ngành kinh tế quốc gia theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn lực bên trong và bên ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập, thích ứng với chuyển đổi kinh tế khu vực và thế giới.

- Ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp các kết cấu hạ tầng tốt, tạo môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế  hoạt động kinh doanh. Nâng cao khả năng tiếp thu công nghệ, hoàn chỉnh môi trường pháp lý, phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế quốc dân thông qua việc thực hiện chính sách R&D. Đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tư duy mới, thông thạo ngoại ngữ để chủ động trong các chương trình đàm phán, xây dựng các chính sách kinh tế…     

Tài liệu tham khảo:

1. Võ Đại Lược, Trần Văn Thọ, Kinh nghiệm phát triển của các nền kinh tế trong khu vực và kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế  thế giới, Hà Nội – 1991;

2. Trần Mạnh Tuyến, Một số giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2010, Tạp chí kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 4 năm 2007;

3. Đỗ Quốc Sam, Một số ý kiến về chương trình nghị sự của Việt Nam, định hướng sự phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo, Hà Nội, 03/2002.