Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông - vận tải:

Không phải chuyện cắt nhiều hay ít

Theo Thảo Mộc/daibieunhandan.vn

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông - vận tải, không phải là chuyện cắt nhiều hay ít, siết chặt hay nới lỏng mà phải đem lại hiệu quả, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông - vận tải.

Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến cắt giảm 352 điều kiện kinh doanh. Nguồn: Internet
Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến cắt giảm 352 điều kiện kinh doanh. Nguồn: Internet

Gánh nặng chi phí

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh phải trên cơ sở kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho. Những điều kiện nào có thể hậu kiểm được thì chuyển sang hậu kiểm, tránh tình trạng tiền kiểm tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt là quy định về điều kiện số lượng tối thiểu phương tiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi tham gia vào hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới hệ quả chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mới được quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Việc áp đặt điều kiện về quy mô sẽ tạo ra rào cản và phân biệt một cách bất hợp lý giữa các đối tượng khi gia nhập vào thị trường trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

“Từng có doanh nghiệp tại Hải Phòng bỏ ra gần 20 tỷ đồng mua 15 ô tô nhưng vẫn đắp chiếu để đó vì chờ được đăng ký vào tuyến, chờ được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng sau nhiều tháng vẫn không thể vào được, bởi vướng quy định tại Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, buộc phải có từ 20 xe trở lên” - ông Nguyễn Văn Thanh dẫn chứng.

Nhiều chuyên gia khẳng định, về bản chất, đây là vấn đề của thị trường. Nếu thị trường có nhu cầu, doanh nghiệp tự biết cách đáp ứng để phát triển, thu lợi nhuận lớn hơn. Nếu người tiêu dùng có nhu cầu cao về chất lượng, doanh nghiệp sẽ tự mình phải cải thiện dịch vụ để cạnh tranh và tồn tại.

Nếu quy mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì cũng theo logic này, doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ bị đào thải tự nhiên mà không cần sự can thiệp của Nhà nước trong việc quy định quy mô tối thiểu.

Gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp còn nằm ở chu trình kiểm định đồng hồ, tần số với xe taxi. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, theo Nghị định 86, đối với xe taxi, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường đã kiểm định và kẹp chì.

Tuy nhiên, không dừng lại tại đó, các doanh nghiệp mỗi năm phải đăng kiểm một lần, tại sao không cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và tăng hậu kiểm, thay vì tiền kiểm như hiện nay?

Tương tự đối với tần số, doanh nghiệp phải đăng ký tần số để liên lạc và đã được cấp phép, tuy nhiên mỗi năm lại buộc doanh nghiệp phải gia hạn tần số một lần, không chỉ gây tốn kém về chi phí mà còn mất rất nhiều thời gian. Nếu không bỏ được, có thể cho doanh nghiệp tăng thời gian tối thiểu kiểm định hoặc gia hạn tần số lên 24 tháng hoặc 36 tháng.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu khẳng định, rõ ràng đó là quy định “bó buộc” doanh nghiệp taxi, dẫn tới phát sinh chi phí không đáng có. Đúng là đồng hồ mới sản xuất ra thì buộc phải kiểm định chính xác nhưng khi đã được lắp trên xe taxi rồi thì doanh nghiệp có thể tự chịu trách nhiệm, cơ quan nhà nước sẽ giám sát và kiểm định ngẫu nhiên.

Tương tự như chuyện cấp tần số, tại sao lại hạn chế thời gian buộc doanh nghiệp phải gia hạn hàng năm mà không tính tới chuyện khi nào doanh nghiệp không dùng tới nữa sẽ trả lại? Đó là những quy định cần được bãi bỏ giúp giảm bớt chi phí, tập trung vào hoạt động kinh doanh thay vì luẩn quẩn, vướng bận những hoạt động khác.

Cắt giảm cơ học?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông - Vận tải Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, trong lĩnh vực đường bộ, Bộ đang rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa 83/129 điều kiện. Trong đó, một số điều kiện liên quan tới quy mô, gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường cũng được kiến nghị bãi bỏ.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị bỏ những điều kiện chung chung, khó xác định không mang tính đặc thù của điều kiện kinh doanh như về các ngành nghề liên quan tới đào tạo, tiện nghi, các trang thiết bị yêu cầu giảng dạy học tập; bỏ điều kiện doanh nghiệp đương nhiên phải tuân thủ pháp luật khi hoạt động. Đồng thời sửa các điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động kinh doanh như về quy định phương tiện, sân tập lái.

Theo ông Phan Đức Hiếu, việc Bộ Giao thông - Vận tải rà soát cắt giảm đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, song có nhiều điều kiện vẫn chưa mạnh dạn bãi bỏ như quy định về kinh doanh vận tải, buộc doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành, có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị.

Bộ mới đề xuất chuyển điều kiện này thành “quy định về quản lý hoạt động vận tải”, tức là chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác chứ không bãi bỏ hoàn toàn.

“Nhiều bộ, ngành vẫn cắt giảm mang tính cơ học mà chưa thực sự coi đó là cuộc cải cách về thể chế, gỡ bỏ điều kiện cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cắt giảm không phải là chuyện nhiều hay ít, siết chặt hay nới lỏng mà xem việc cắt giảm đó có bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng hay không” - ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế khẳng định. 

Nhiều chuyên gia kiến nghị, trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp và hạn chế đưa ra những điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Khi để lại bất cứ điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý để làm gì, có tác dụng gì và tác động đó có bù đắp được chi phí của xã hội hay không. Việc cắt giảm cũng cần tính tới những phương án hiệu quả hơn để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng được nhu cầu quản lý.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, cái khó hiện nay khi rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh đó là hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ tiêu chí đâu là điều kiện kinh doanh, đâu là quy chuẩn kỹ thuật và hiện còn lẫn lộn giữa điều kiện gia nhập thị trường với điều kiện mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ trong quá trình hoạt động.

Mặc dù vậy, Bộ vẫn khẳng định quyết tâm sẽ rà soát, cắt bỏ điều kiện không cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp đã và đang mong muốn tham gia vào hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giao thông - vận tải, thúc đẩy môi trường kinh doanh hiệu quả, công bằng.