“Chắp cánh” cho các hộ kinh doanh “lên đời”

PV.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động là tạo điều kiện, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Giải pháp này đã được cụ thể hóa với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều hộ kinh doanh không chịu “lớn”

Theo số liệu nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khối kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% trong tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, chỉ 8% trong số đó là phần đóng góp của các doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN; 32% còn lại được đóng góp từ các hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể có quy mô nhưng không chịu "lên đời" DN.

Lý do nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN có nhiều, trong đó có thể kể đến các lo ngại khi trở thành DN, nhiều khoản chi phí sẽ tăng lên như thuê kế toán, các vấn đề phát sinh liên quan tới sổ sách, phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra từ cơ quan quản lý nhà nước hơn...

“Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 600.000 DN và để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2020 có 1 triệu DN, nếu không có các đột phá về chính sách để tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển thành DN thì mục tiêu trên có nguy cơ không đạt được”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Quốc tế hóa được các DNNVV và siêu nhỏ chính là chìa khóa cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới, do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc xây dựng môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách để kích thích và đưa các hộ kinh doanh, các DNNVV và siêu nhỏ mở rộng quy mô là bài toán quan trọng. 

Hỗ trợ thiết thực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DNNVV; Thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, ngày 12/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV.

Tiếp đó, ngày 11/3/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Nghị định dành 1 mục riêng để quy định rõ các hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Theo đó, hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành DN được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí: Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập DN; Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm; Được miễn lệ phí môn bài 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu…

Theo các nhà phân tích, đây là những hỗ trợ rất thiết thực đối với các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, là cơ hội “lớn lên” một cách ổn định, bền vững của các hộ kinh doanh cũng như các DNNVV.