Sức nóng của cải cách
Sức nóng của cải cách đang gia tăng nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là giảm gánh nặng chi phí. Tiếp bước nỗ lực này, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN.
Hy vọng rằng những gánh nặng về chi phí của DN sẽ được giảm thiểu để họ yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp chịu gánh nặng chi phí
Trong một phát biểu gần đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, môi trường đầu tư của Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thể hài lòng. Trong đó, điểm được ông Lộc lưu ý nhất chính là vấn đề chi phí của DN, bao gồm cả chi phí chính thức và phi chính thức.
Nhìn rõ thực trạng này, tại Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành sắp tới cũng chỉ rõ, DN đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong đầu tư, kinh doanh. Trong khi số lượng DN thành lập mới tăng nhanh, thì số DN phải tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa cũng ở mức cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do chi phí kinh doanh ở nước ta hiện đang ở mức cao so với thực tiễn tốt trên thế giới.
Khảo sát thực tế cho thấy, DN vẫn phải gánh chịu nhiều loại chi phí bất hợp lý, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của DN bị hạn chế. Điều này cản trở việc thực hiện chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng.
Bên cạnh nỗi lo về chi phí chính thức cao thì DN Việt Nam vẫn “ám ảnh” về những khoản chi phí không chính thức. Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa được VCCI công bố, mặc dù Việt Nam đã cắt giảm đáng kể chi phí cho DN trong năm qua, nhưng vẫn còn đến 59% DN nói rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức. “Đây là con số khá phiền lòng, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư”, một chuyên gia kinh tế bày tỏ. Trước đó, “vấn nạn” này cũng đã được VCCI chỉ ra tại nhiều báo cáo PCI công bố các năm trước với những con số “báo động” như: Tỷ lệ các công ty trả khoản phí không chính thức tăng từ 50% vào năm 2013 lên 64% năm 2014, 66% năm 2015 và năm 2016.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm đáng kể chi phí tuân thủ quy định pháp luật, cả chính thức và không chính thức cho DN. Đồng thời, tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh. Theo kế hoạch, Nghị quyết trên sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 4/2018.
Hành động cắt giảm chi phí bất hợp lý
Kiên quyết cắt giảm chi phí không chính thức cho DN, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đề xuất các hành động cụ thể đối với 3 nhóm đối tượng liên quan tham gia hoạt động này. Đầu tiên là các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, địa phương, Chính phủ yêu cầu xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; bảo đảm quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đồng thời, công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích tuân thủ pháp luật trên cổng thông tin điện tử; xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, DN…
Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp; xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức như: Phần mềm điện thoại thông minh; diễn đàn truyền thông xã hội... Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với DN dám tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi DN tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập DN (nếu có).
VCCI và các hiệp hội DN tích cực vận động DN thành viên phản ánh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; xây dựng các công cụ, giải pháp hỗ trợ, bảo vệ DN thành viên sau khi họ tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức…
Đối với việc cắt giảm chi phí chính thức (chi phí tuân thủ pháp luật; phí, lệ phí, tiền thuê đất), Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương. Đơn cử về cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao một số nhiệm vụ như: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm cụm từ “điều kiện kinh doanh” để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bảo đảm phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật… Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định không cần thiết về thủ tục lập quy hoạch, giấy phép quy hoạch, thủ tục xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh.