Không phải “cuộc chiến đơn lẻ”
Các doanh nghiệp có thể tính đến việc yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với các cam kết mà nước ta đã tham gia.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới luôn được xem là con đường rộng mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, song đây cũng chính là thử thách khi hàng hóa các nước tràn vào thị trường nội địa với giá cả cạnh tranh hơn. Khi đó, các doanh nghiệp có thể tính đến việc yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với các cam kết mà nước ta đã tham gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là lá chắn bảo vệ hiệu quả cho hàng hóa trong nước. Đây không phải là khái niệm quá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Các biện pháp này thường được nhắc đến khi một số nước kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm, cá basa hay tôn thép của nước ta thời gian qua.
Tuy nhiên, phần còn lại của bức tranh phòng vệ thương mại lại còn khá mơ hồ, các doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu chủ động trong việc sử dụng các biện pháp này khi nhận thấy dấu hiệu phù hợp.
Đến nay, số vụ việc được các doanh nghiệp trong nước chủ động yêu cầu khởi kiện còn quá ít so với các vụ việc các sản phẩm trong nước bị kiện. Thực tế, có khoảng 100 vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 5 lần với 3 vụ kiện tự vệ và 2 vụ kiện chống bán phá giá.
Lý giải về điều này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân do tâm lý ngại khiếu kiện, thiếu kiến thức về điều kiện áp dụng, thiếu thông tin cơ quan cần liên hệ khi muốn sử dụng công cụ này và hơn hết là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng.
Phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chiến đơn lẻ” của từng doanh nghiệp, mà là “cạnh tranh tập thể”, là chiến lược hành động của từng ngành sản xuất nội địa liên quan. Bởi việc áp dụng các biện pháp này luôn tính đến việc bảo vệ lợi ích của nền sản xuất của đất nước hay ngành sản xuất cụ thể, chứ không phải của từng doanh nghiệp.
Do vậy, tất cả các doanh nghiệp trong ngành phải cùng hưởng ứng, chung sức cho lợi ích của ngành hay nền kinh tế quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp cùng mục đích cũng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đơn lẻ. Điều này mang lại tiếng nói chung mạnh hơn và giúp các doanh nghiệp cùng chia sẻ các khoản chi phí cao trong quá trình điều tra.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần xem việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh trong hội nhập; tránh lạm dụng nhưng cần tận dụng triệt để, hiệu quả các biện pháp này khi hàng hóa nhập khẩu cố tình cạnh tranh không công bằng hoặc nhập khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước.
Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế để tổng hợp số liệu theo yêu cầu một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất khi thực hiện điều tra. Doanh nghiệp cần có sự hiểu biết nhất định về các biện pháp phòng vệ thương mại và có đơn vị tư vấn xử lý khi phát sinh nhu cầu.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cần triển khai nhiều hoạt động đa dạng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức cũng như áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng vệ thương mại, phối hợp với các tổ chức liên quan mở rộng tuyên truyền sâu rộng hơn hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nhận biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch thông tin để có thể tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong cả việc khởi kiện và kháng kiện.