Không quên thị trường xuất khẩu “sát vách”
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang trên đà tăng mạnh với sự hiện diện của 40 loại mặt hàng.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc đang có những bước tiến triển thuận lợi. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương Trung - Việt đạt 95,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2014. Đáng mừng là xuất siêu từ phía Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm 16,8%.
Đến tháng 7/2016, Việt Nam đã vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 52,26 tỷ USD. Đáng chú ý là trong bối cảnh đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm với tốc độ bình quân khoảng 8,8%, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Thống kê mới nhất của cơ quan hải quan Việt Nam cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang trên đà tăng mạnh với sự hiện diện của 40 loại mặt hàng. Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2016 lên tới 15,09 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại TP. Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết, xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đang có nhiều thuận lợi.
Theo ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA), Trung Quốc cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, nước này cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018. Vì vậy đến năm 2015, Trung Quốc đã có gần 7.900 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm hơn 95% tổng số dòng thuế và chiếm 91,6% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc dành cho ASEAN giai đoạn 2015-2017 là 0,73%/năm và giảm dần vào năm 2018 là 0,56%/năm.
Bên cạnh đó, hiện nay Trung Quốc đang khuyến khích nhập khẩu thông qua rất nhiều các chính sách khác nhau như hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp; tăng cường ký kết các thoả thuận về kiểm nghiệm kiểm dịch với các nước xuất khẩu; tăng cường kết nối thông quan hàng hoá giữa các cơ quan hải quan trong nước và mở rộng công nhận kết quả giám định của bên thứ 3…
Cuối cùng, Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh, cụ thể là hàng nông-lâm sản như gạo, sắn và các sản phẩm sắn, cao su, chè, rau quả…; hàng thuỷ sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh…
Tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường này cũng có một số khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Theo đó, mặc dù hàng hoá Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi trong CAFTA, song Trung Quốc hiện áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng từ 13-17%, vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường này. Bên cạnh đó, nước này cũng đã ban hành Luật An toàn thực phẩm mới, theo đó tất cả sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.
Các khó khăn khác là sản phẩm nông - thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng chủng loại của các nước ASEAN. Việc trao đổi, mua bán hàng hoá theo hình thức thương mại biên giới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc xác minh năng lực doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc còn chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế. Thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch. Rào cản ngôn ngữ trong giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc…