Các FTA giúp giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc
Nhập siêu từ Trung Quốc vốn là mối lo lâu nay khi gây khó cho nền kinh tế, nhất là những hàng hoá có chất lượng thả nổi, bán phá giá, công nghệ lạc hậu, hàng tiêu dùng độc hại... Bức tranh có vẻ bắt đầu thay đổi khi một số hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, với cam kết mở cửa thị trường, loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu, từng bước giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc.
14,5 tỷ USD là tổng kim ngạch nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2016, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 2,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 83,2 tỷ USD, tăng 1,9%.
Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu từ châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29%, nhưng trong 10 tháng qua đã giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu
Tín hiệu đáng mừng là thay vì nhập khẩu từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) đang đa dạng hoá thị trường nhập khẩu tích cực nhập khẩu từ các thị trường khác, điển hình là từ thị trường Hàn Quốc kể từ khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực vào ngày 20/12/2015. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đang chiếm 18% và 10 tháng 2016 đã tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong cơ cấu thị trường nhập khẩu còn có ASEAN chiếm 14%. Thị trường châu Âu và châu Mỹ chiếm xấp xỉ 5%, tốc độ tăng trưởng của thị trường châu Mỹ cơ bản duy trì tương đương mức cùng kỳ năm trước, thị trường châu Âu có mức tăng nhẹ (6,5%).
Nhìn từ số liệu nhập khẩu từ các thị trường này, Bộ Công Thương nhận định Việt Nam đang dần dần từng bước tận dụng được các cam kết và các FTA đã ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu. Do vậy, Việt Nam từng bước đã giảm dần phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc, tận dụng các cam kết với các thị trường tiềm năng mới như Hàn Quốc, EU…
Trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay, tập trung vào nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo là chính, trong đó có 9 nhóm hàng thường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như máy móc thiết bị, phụ tùng; sắt thép các loại; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất; sản phẩm từ chất dẻo; ô tô các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Điều này được cho là khó tránh khỏi với nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh như Việt Nam. Mặc dù vậy, giới chuyên gia lưu ý khi TPP và một số FTA có hiệu lực, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ để tránh nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để được hưởng các ưu đãi thuế quan hoặc tránh các hàng rào kỹ thuật, những vụ kiện bán phá giá (chẳng hạn như nghi vấn thép Trung Quốc đội lốt thép Việt để xuất sang Mỹ, EU trong thời gian gần đây).
Nỗ lực giảm nhập siêu
Theo giới chuyên gia, dưới sức ép của nguyên tắc xuất xứ, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển. Như vậy, khả năng xuất khẩu của ta vừa tăng lên, đồng thời nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm đi, giảm dần tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam, hướng dần tới sự cân bằng thương mại giữa hai nước.
Về lâu dài, Việt Nam cần tích cực phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời kiểm soát chặt nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được cũng như các mặt hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Điều đó đòi hỏi cần kiểm soát hàng giả và hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tránh lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nỗ lực giảm nhập siêu, tiến tới dần cân bằng cán cân thương mại từ thị trường Trung Quốc là chủ trương lớn và là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ Công Thương thời gian qua. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đối mặt nhiều thách thức khi quốc gia láng giềng này đang ở tình cảnh suy giảm kinh tế. Dẫu vậy, trong 10 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng đến 23,9%, chiếm tỷ trọng 12% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Điều đáng nói, thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng rào cản đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn… nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng nhiều.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) triển khai thực hiện các biện pháp đã trao đổi tại buổi gặp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng AQSIQ.
Bộ sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, sớm tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá năng lực để công nhận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam để ổn định xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại thị trường này cũng như đề nghị AQSIQ xem xét việc mở thêm các cửa khẩu nhập khẩu rau quả.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để có thể xuất khẩu chính thức một số loại trái cây vào thị trường Trung Quốc như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi…