Khu Đông lên thành phố, bất động sản có “lên mây”?

Theo Trần Phong/cafeland.vn

Thông tin khu Đông được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) được dự báo sẽ tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của khu vực này, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Yếu tố hạ tầng đang là điểm nhấn tạo nên sức hút của bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh.
Yếu tố hạ tầng đang là điểm nhấn tạo nên sức hút của bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố trong thành phố

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong đó có nêu rõ việc thành lập thành phố Thủ Đức. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND TP.HCM xây dựng đề án, xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập thành phố phía đông trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Dự kiến sau khi được thành lập, thành phố phía đông của TP.HCM sẽ có quy mô khoảng 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2.

Trong năm 2019, TP.HCM đã tổ chức cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM". Theo phương án của đơn vị dành giải nhất tại cuộc thi này thì thành phố phía đông sẽ bao gồm sáu hạt nhân chính:

Thứ nhất là Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam.

Thứ hai là ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi cung cấp quần thể giáo dục - đào tạo cùng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Thứ ba là khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực.

Thứ tư là Rạch Chiếc - trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á.

Thứ năm là Tam Đa - trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao.

Thứ sáu là khu Trường Thọ - nơi định hình như một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.

Bất động sản được gì?

Trong số các khu vực hiện nay của TP.HCM, khu vực phía đông là nơi có thị trường bất động sản sôi động nhất trong những năm gần đây. Nền tảng của sự phát triển này gồm nhiều yếu tố.

Thứ nhất, khu Đông là vị trí cửa ngõ TP.HCM tiếp giáp với những đô thị vệ tinh năng động như Biên Hoà (Đồng Nai) hay Dĩ An, Thuận An (Bình Dương).

Thứ hai, khu Đông là nơi có hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Hiện nay có thể kể đến một số dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố tại khu vực này như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ, cao tốc TP.HCM – Long Thành, xa lộ Hà Nội mở rộng, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án bến xe Miền Đông mới…

Thứ ba, với thế mạnh về vị trí và cơ sở hạ tầng, khu Đông đang tập trung nhiều chủ đầu tư bất động sản với những đô thị đã và đang được triển khai với số lượng vượt trội so với các khu vực khác.

Hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh ở khu Đông
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh ở khu Đông

Ghi nhận thực tế của CafeLand cho thấy, ngay khi ý tưởng thành lập thành phố phía đông xuất hiện thì khu vực này đã trở thành một “điểm nhấn” không thể thiếu trong nhiều chiến dịch quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của các dự án bất động sản.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM chia sẻ, việc thành lập thành phố phía đông là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng nên một đô thị kiểu mẫu.

Thành phố mới phải có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu thú doanh nghiệp đầu tư. Nếu đi đúng hướng thì tất cả mọi lĩnh vực đều được hưởng lợi và là một phần trong sự phát triển đó. Bất động sản tại khu vực này sẽ được nâng giá trị thật.

Tuy nhiên, nếu đi “chệch hướng” sẽ để lại nhiều hệ luỵ mà bất động sản là lĩnh vực nặng nề nhất. Thực tế cho thấy, hiện đã có nhiều đô thị, thành phố mới được thành lập cách đây hàng chục năm, từng tạo nên nhiều cơn sốt đất nhưng đến bây giờ vẫn không thể thành hình, thậm chí phải gọi bằng cái tên “thành phố ma”.

Bất động sản khu Đông với nhiều dự án đã và đang hình thành
Bất động sản khu Đông với nhiều dự án đã và đang hình thành

Bên cạnh đó, những thông tin quy hoạch như trên nếu không được quản lý và tuyên truyền minh bạch sẽ dễ dàng bị các nhóm lợi ích, đầu cơ lợi dụng như một miếng mồi béo bở để tạo sóng giá nhà đất, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Vietnam, cho rằng thành phố mới chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi có những quy hoạch đặc biệt, những chính sách mời gọi đầu tư trong và ngoài nước hấp dẫn, có nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội tốt… để trở thành một “đòn gánh” với trung tâm thành phố hiện hữu.

Ngược lại, nếu chỉ thay đổi cái tên “thành phố” thì chỉ giải quyết được mặt hình ảnh. Trong khi đó, việc có thêm một bộ máy lãnh đạo sẽ khiến chi phí hành chính càng thêm tốn kém, người dân khó khăn khi phải thay đổi giấy tờ, thông tin.