Khủng hoảng nợ Argentina - Cuộc chiến với hệ thống tư pháp Mỹ

Khánh Duy/Tạp chí Thông tin Tài chính

(Tài chính) Phán quyết của tòa án Mỹ tháng 6/2014 buộc Argentina phải thanh toán tiền trái phiếu và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư của Mỹ đã đẩy quốc gia Nam Mỹ rơi vào tình thế bế tắc. Argentina lâm vào một cuộc khủng hoảng kiểu mới, bị vỡ nợ nhưng không phải do không còn khả năng trả nợ mà là do không được phép trả nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thủ đoạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ

Năm 2001, nền kinh tế sụp đổ sau một thời gian dài chính phủ chi tiêu quá đà cho các dự án kích thích kinh tế không hiệu quả đã khiến ngân khố quốc gia cạn kiệt, đẩy Argentina rơi vào một cú sốc vỡ nợ hơn 100 tỷ USD.

Kinh tế khủng hoảng, trái phiếu của Argentina trên thị trường tài chính bị mất giá thảm hại. Đây là thời cơ làm ăn của các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ với thủ đoạn là săn lùng trên thị trường tài chính thứ cấp các cổ phiếu, trái phiếu của các chính phủ hoặc các tập đoàn, công ty phá sản với giá rẻ hơn nhiều lần so với mệnh giá in trên trái phiếu hoặc cổ phiếu. Sau đó, thông qua hệ thống pháp luật, các quỹ này buộc các con nợ phải thanh toán với giá đúng với giá trị trên giấy tờ (theo mệnh giá). 

Hơn 10 năm sau cú sốc vỡ nợ, bằng các nỗ lực phi thường, với sự hỗ trợ của quốc tế, Argentina bắt đầu tìm cách tiếp cận lại thị trường tài chính quốc tế. Buenos Aires đã thương lượng với các chủ nợ trái phiếu đề nghị họ tham gia chương trình tái cơ cấu, theo đó, Argentina sẽ thanh toán nợ cho các trái chủ, đổi lại, do tình hình tài chính của Argentina vẫn rất khó khăn, các trái chủ đồng ý giảm mức thanh toán xuống chỉ còn 30% so với giá trị trên trái phiếu.

Thỏa thuận này đã được 92,4% số chủ nợ của Argentina chấp nhận, mở đường cho quốc gia này lấy lại lòng tin của thị trường tài chính quốc tế. Kinh tế Argentina bắt đầu có dấu hiệu khôi phục sau một thời kỳ dài chìm trong khủng hoảng. Đây cũng là “thời điểm vàng” để các quỹ đầu tư mạo hiểm đòi nợ.

Nằm trong số các chủ nợ còn lại không đồng ý với các chương trình tái cơ cấu, hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Capital Management đã khởi kiện lên tòa án Mỹ, đòi Argentina phải thanh toán đầy đủ theo đúng giá in trên trái phiếu, tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng lên tới 1,3 tỷ USD.

Tòa án Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ hai quỹ trên, theo đó cấm Argentina trả nợ cho các trái chủ đồng ý tái cơ cấu nếu chưa trả hết nợ cho NML Capital và Aurelius Capital Management. Phán quyết của tòa án Mỹ đã làm đóng băng khoản tiền 539 triệu USD mà Argentina chuyển vào ngân hàng New York Mellon (BoNY) tại Mỹ, khiến Argentina không thể thanh toán cho các trái chủ đồng ý tái cơ cấu mặc dù đã quá thời hạn. 

Kẽ hở của hệ thống pháp luật tài chính quốc tế

Để đối phó với phán quyết của tòa án Mỹ, Argentina tìm cách chuyển địa điểm chuyển các khoản thanh toán nợ cho các trái chủ đồng ý tái cơ cấu ra khỏi Mỹ. Chính phủ Argentina đã trình và được Quốc hội thông qua dự luật về việc chuyển địa điểm trả nợ về Argentina hoặc Pháp, nhằm bảo đảm quyền lợi của các trái chủ đã tham gia tái cơ cấu nợ. Theo luật trên, trước mắt, Argentina phải chuyển tiền để thanh toán 161 triệu USD tiền lãi đến hạn ngày 30/9/2014 và 100 triệu tiền lãi đến hạn vào ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên, với phán quyết của tòa án Mỹ làm bệ đỡ, hai quỹ đầu tư Mỹ sẽ tìm kiếm tài sản của Argentina trên toàn thế giới để truy thu nợ. Hai quỹ đầu tư mạo hiểm này đã khẳng định sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để buộc các chủ nợ nhận tiền của Argentina phải ra hầu tòa. Đến nay, đã có 18 ngân hàng nhận trát của tòa án sau khi các luật sư của NML Capital đã dò được nguồn tiền 65 triệu USD mà Argentina chuyển khoản để trả nợ. Không dừng lại ở đây, NML Capital yêu cầu 123 công ty ở Nevada (Mỹ) phải trình diện trước tòa án vì bị nghi có liên quan đến việc giữ tiền cho Argentina và bị nhà chức trách yêu cầu phải hợp tác với các luật sư điều tra của NML Capital.

Trước thực trạng này, quá trình tái cơ cấu nợ của Argentina càng rơi vào bế tắc. Buenos Aires một mặt không thể thanh toán cho các trái chủ đã đồng ý tái cơ cấu nhưng mặt khác cũng không thể trả tiền cho NML Capital và Aurelius Capital Management theo phán quyết vì điều này có thể khiến 92,4% chủ nợ đồng ý tái cơ cấu khởi kiện Argentina vì đối xử bất bình đẳng.

Vụ việc của Argentina khiến cho các thể chế tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại vì tạo ra một tiền lệ xấu cho các quá trình tái cơ cấu nợ mà hai thể chế này đã và đang thực hiện tại nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Hy Lạp. Tuy nhiên, vụ việc cũng khiến IMF nhận ra hệ thống pháp lý tài chính quốc tế có kẽ hở và các quỹ đầu tư mạo hiểm đang lợi dụng để trục lợi. IMF cho rằng, điều khoản “thanh toán bình đẳng” và “ứng xử tương đồng” chính là hai kẽ hở trong hệ thống pháp lý tài chính quốc tế.

Theo báo cáo của IMF, hai quỹ đầu tư Mỹ đã lợi dụng điều khoản “thanh toán bình đẳng” trong hợp đồng mua trái phiếu để đòi Argentina trả nợ và sự lỏng lẻo trong điều khoản “ứng xử tương đồng” để đi ngược lại quyết định của 92,4% trái chủ. IMF đã đề nghị thay đổi điều khoản “thanh toán bình đẳng” và siết chặt điều khoản “ứng xử tương đồng” theo chiều hướng nhằm đảm bảo đa số các chủ nợ có thể quyết định cách thức thanh toán nợ mà không bị thiểu số các chủ nợ còn lại cản trở tiến trình này.

Ngoài ra, IMF còn đề xuất tất cả các serie công trái của một quốc gia nên được gộp vào một đợt biểu quyết tái cơ cấu duy nhất thay vì tiến hành nhiều đợt biểu quyết tái cơ cấu riêng lẻ theo từng serie công trái.

Cuộc chiến không đơn độc     

Căng thẳng giữa Argentina với hệ thống tư pháp Mỹ bùng nổ. Buenos Aires chỉ trích phán quyết của tòa án Mỹ là “vi phạm chủ quyền” và lên án hai quỹ đầu tư trên của Mỹ là những “kẻ trục lợi”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ và vô hiệu hóa phán quyết của tòa án Mỹ.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Argentina khẳng định phán quyết của Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa đối với hoạt động thanh toán nợ của Argentina là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) mà Argentina và Mỹ cùng tham gia, trong đó thừa nhận “sự bình đẳng chủ quyền của các quốc gia”.

Đối với phán quyết của Thẩm phán Griesa về việc Argentina bất tuân lệnh tòa án khi tìm mọi cách thanh toán cho các trái chủ tái cơ cấu trước, Chính phủ Argentina đã gửi thư phản đối tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong bức thư trên, Đại sứ Argentina tại Mỹ Cecilia Nahon khẳng định, Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hành động của hệ thống quyền lực tư pháp của mình. Quan chức ngoại giao Buenos Aires cáo buộc tòa án Mỹ lạm quyền khi ra phán quyết trên và đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Argentina, dẫn tới hậu quả xấu là quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Bên cạnh đó, nỗ lực vận động quốc tế của Argentina cũng đạt được kết quả khi Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ nước này từ chối trả tiền cho các quỹ đầu tư Mỹ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ. Chánh văn phòng nội các Argentina Jorge Capitanich cho biết, sau khi nhận được đề xuất từ Argentina và Bolivia, Đại hội đồng LHQ đã tiến hành thảo luận xây dựng một công ước quốc tế nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ công.

Công ước này nhằm mục tiêu ngăn chặn việc một nhóm các nhà đầu tư thiểu số can thiệp và làm ảnh hưởng đến thỏa thuận tái cơ cấu nợ công của một quốc gia, đã nhận được sự ủng hộ của 124 nước trên thế giới. Cả WB và IMF đều bày tỏ lo ngại trước các động thái của hệ thống tư pháp Mỹ và kêu gọi cải cách các điều khoản trong thỏa thuận mua trái phiếu chính phủ nhằm bịt kín các kẽ hở trong hệ thống pháp luật tài chính quốc tế.

Trước Argentina, đã có những chính phủ và doanh nghiệp phải ngậm ngùi thanh toán nợ theo yêu cầu của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặc dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, song với sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nước và quốc tế, Buenos Aires quyết tâm bước vào cuộc chiến để không chỉ Argentina mà còn nhiều thể chế kinh tế khác sẽ không trở thành “con mồi béo bở” của các quỹ đầu tư mạo hiểm.