Khủng hoảng thiếu năng lượng tại Trung Quốc sẽ đẩy cao lạm phát giá hàng hóa toàn cầu?

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tác động của cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng lên chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hiện vốn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Cú sốc từ tình trạng thiếu năng lượng của Trung Quốc đang bắt đầu gây ra nhiều tác động lớn trên toàn cầu, rất nhiều đối tượng từ hãng xe Toyota cho đến những người nông dân chăn cừu tại Australia hay người sản xuất hộp các tông chịu ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.

Tình trạng thiếu điện tệ hại tại đất nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bắt đầu gây tổn hại đến tăng trưởng của chính Trung Quốc, tác động lên chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hiện vốn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc tác động đến thế giới ở thời điểm không thể tệ hại hơn nữa. Ngành vận tải thế giới hiện vốn đang gặp khó với chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, hoạt động vận chuyển hàng loạt loại hàng hóa như quần áo hay đồ chơi bị trì hoãn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang bắt đầu mùa thu hoạch nhiều loại nông sản, thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo sợ về kịch bản chi phí thực phẩm leo thang.

“Nếu tình trạng thiếu điện và bị hạn chế sản xuất vẫn tiếp tục, nó có thể trở thành một yếu tố nữa gây ra nhiều vấn đề về nguồn cung, đặc biệt nếu nó bắt đầu tác động đến hoạt động sản xuất các sản phẩm xuất khẩu”, chuyên gia kinh tế cao cấp chuyên nghiên cứu về châu Á tại Oxford Economics – ông Louis Kuijs.

Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về khả năng tăng trưởng chững lại tại Trung Quốc. Ở Citigroup, chỉ số đánh giá mức độ tổn thương cho thấy rằng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thành phẩm đặc biệt dễ chịu tác động từ một nền kinh tế Trung Quốc suy yếu. Nước láng giềng của Trung Quốc như Hàn Quốc hay một số nước xuất khẩu kim loại như Australia và Chile cũng như đối tác thương mại lớn như Đức cũng sẽ chịu tác động.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại quỹ Pantheon Macroeconomics, ông Craig Botham, nhận xét: “Dường như đó là một cú sốc lạm phát trì trệ với sản xuất, không phải chỉ tại Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Giá cả giờ đây tăng trên diện rộng, hậu quả trực tiếp từ việc Trung Quốc tham gia quá sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Gần đây, Bắc Kinh đã rất cố gắng tìm nguồn cung điện trong nỗ lực bình ổn tình hình. Tác động lên kinh tế toàn cầu sẽ còn tùy thuộc vào việc sự cố gắng của Bắc Kinh phát huy thành quả sau bao lâu. 

Trong tuần lễ vàng hiện tại, nhiều nhà máy của Trung Quốc đã buộc phải giảm quy mô sản xuất và các chuyên gia kinh tế đang theo dõi chặt chẽ liệu tình trạng khan hiếm điện có trở lại khi các nhà máy mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện nay, một số ngành nghề vốn đã và đang chịu nhiều áp lực, tác hại từ việc thiếu điện có thể nhanh chóng lan sang các ngành nghề.

Xét đến sản phẩm giấy, hoạt động sản xuất hộp các tông và nguyên liệu đóng gói vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ nhu cầu tăng cao chóng mặt trong thời kỳ đại dịch COVID-19. 

Giờ đây, các biện pháp đóng cửa tạm thời tại Trung Quốc gây tổn hại đến sản lượng của ngành thậm chí còn tệ hại hơn, nguồn cung sẽ có thể giảm từ 10 đến 15% trong tháng 9 và tháng 10, theo Rabobank. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp vốn đã chịu tác động từ cuộc khủng hoảng thiếu giấy toàn cầu sẽ còn khó khăn hơn.

Chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đang đương đầu với nhiều rủi ro khi cuộc khủng hoảng năng lượng làm cho mùa thu hoạch nông sản khó khăn hơn với các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Giá thực phẩm toàn cầu hiện đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ, nỗi lo ngày một lớn dần về khả năng tình hình này sẽ tồi tệ hơn bởi Trung Quốc chật vật thu hoạch nhiều loại nông sản, từ ngô cho đến đậu tương hay bông.

Những tuần gần đây, một vài nhà máy đã bị buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng nhằm tiết kiệm điện. Những nhà máy sản xuất đậu tương chuyên sử dụng trong thức ăn chăn nuôi hay dầu ăn không duy trì được công suất như trước. Giá thuốc sâu, một trong những thành tố hàng hóa quan trọng nhất trong nông nghiệp, đang tăng cao chóng mặt và gây tổn hại đến cuộc sống của những người nông dân vốn đã quá khó khăn với chi phí leo thang.