Khuyến khích doanh nghiệp phát triển du lịch xanh


Nhiều ý kiến cho rằng, cần có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển du lịch xanh nhằm gia tăng giá trị cho ngành, tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và bảo đảm phát triển bền vững.

Du lịch xanh là tất yếu

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy du lịch xanh là một xu hướng tất yếu. Ví dụ, khảo sát của Trip Advisor cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. 

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của du khách được thực hiện năm 2020, có tới 82% số dân EU cho biết có thể thay đổi thói quen để bảo đảm tính bền vững của du lịch; 48% sẵn sàng giảm rác thải khi đi du lịch; thậm chí chấp nhận trả thêm phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên (35%) hoặc để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương (33%).

Du lịch xanh sẽ là hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Nguồn: ITN
Du lịch xanh sẽ là hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Nguồn: ITN

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện cũng cho thấy: 76% du khách sẵn sàng giảm rác thải trong kỳ nghỉ; 62% sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm địa phương; 45% sẵn sàng sử dụng phương tiện di chuyển ít tác động đến môi trường; 45% chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm; 38% sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng địa phương; 31% sẵn sàng lựa chọn điểm đến ít phổ biến hơn; 28% chọn giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam xác định ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, như: ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...

Với định hướng đó, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh các sản phẩm du lịch xanh. Tiêu biểu là mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch thực hiện tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình) và TP. Hội An (Quảng Nam) bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực cũng như tính khả thi để nhân rộng trên toàn quốc. Một ví dụ khác là huyện đảo Cô Tô sẽ trở thành địa phương đầu tiên của Quảng Ninh có các cơ sở lưu trú, dịch vụ, tour du lịch không rác nhựa. Trước đó, để cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, huyện đã hoàn thành dự thảo Bộ Tiêu chí du lịch xanh Cô Tô về thực hiện bảo vệ môi trường gắn với giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; tổ chức thành lập đoàn thẩm định và dán nhãn các cơ sở  bảo đảm tiêu chí; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn du lịch xanh; tổ chức tour du lịch không rác nhựa, các chương trình du lịch kết hợp nhặt rác… 

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch xanh

Tuy vậy, trên bình diện chung, việc chuyển đổi mô hình du lịch truyền thống sang du lịch xanh còn nhiều khó khăn từ nhận thức, đầu tư, đào tạo nhân viên, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Mặt khác, kết cấu hạ tầng, giao thông đến những điểm có tiềm năng phát triển du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch xanh. Hiện cũng chưa có bộ tiêu chí du lịch xanh để áp dụng cho cả nước và doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó về nguồn lực tài chính để chuyển đổi.

Năm 2024, Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Cho rằng phát triển du lịch xanh sẽ góp phần giúp ngành du lịch đạt được mục tiêu này, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy nhấn mạnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để tạo tiền đề cơ bản phát triển du lịch xanh, bền vững. Đối với các doanh nghiệp phát triển mô hình, sản phẩm du lịch xanh, Nhà nước cần có những ưu đãi phù hợp để họ kiên trì theo đuổi hướng đi này như các gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án phát triển du lịch xanh. Cùng với đó, sớm ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho cả nước để làm điểm tựa pháp lý. Các doanh nghiệp cũng mong muốn có các chương trình đào tạo về phát triển du lịch xanh, đào tạo nguồn nhân lực.

TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cũng cho rằng, cần có chương trình ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành phát triển du lịch xanh về vốn, kiến thức, nâng cao năng lực làm du lịch và khuyến khích đào tạo nhân lực du lịch cho lĩnh vực này. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn