Khuyến khích hộ kinh doanh phát triển theo năng lực

Theo An Thiện/daibieunhandan.vn

Sáng nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm về khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết kế chính sách theo cách ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển theo năng lực, đừng vì mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà ép họ lên doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Cần nghiên cứu kỹ về khu vực hộ kinh doanh

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh

Kinh tế hộ gia đình ở nước nào cũng có, nhưng ở Việt Nam thì tỷ lệ cao bất thường. Vì vậy, những hộ kinh doanh nào vượt quá 10 lao động thì buộc phải lên doanh nghiệp.

Những hộ kinh doanh nhỏ như bà bán bún riêu ở ngoài đường không thể làm doanh nghiệp và không nên đòi hỏi họ làm mọi việc như doanh nghiệp. Đòi kế toán, thống kê, chứng từ là không thích hợp mà phải có cách ứng xử phù hợp với họ.

Hộ kinh doanh nhỏ được coi là giải pháp thoát nghèo, tạo thu nhập cho những người không có việc làm, nếu buộc họ phải lên doanh nghiệp sẽ gây sức ép lớn đối với họ. Chúng ta nên xem xét một cách thiết thực, cầu thị xem những hộ kinh doanh nào có thể lên doanh nghiệp được, hộ nào không để tạo điều kiện cho họ phát triển, nếu không họ sẽ từ bỏ và sẽ làm chênh lệch, thay đổi cân đối cung cầu của thị trường. 

Cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ về khu vực hộ kinh doanh. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp chúng ta nhìn lại xem từ trước tới nay luật pháp, chính sách cho khu vực này đã có đến đâu, khía cạnh nào tốt cần tiếp tục thực hiện, khía cạnh nào còn khiếm khuyết. Có thể chúng ta có luật, chính sách nhưng từ phía cơ quan nhà nước chưa thực hiện trách nhiệm của mình trong triển khai. Việc đăng ký và quản lý hộ kinh doanh đang còn lỏng lẻo, chưa chính xác.

Phía hộ kinh doanh cũng không tự giác thực hiện luật, nên mới có chuyện hộ kinh doanh sử dụng vài trăm lao động nhưng chỉ báo có 9 lao động để tránh phải lên doanh nghiệp và được áp dụng thuế khoán. Cũng có hiện tượng móc ngoặc giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế để trốn thuế. Chính quyền địa phương cơ sở che chắn cho các hộ kinh doanh để lấy tiền từ nguồn thu không chính thức. Từ đấy sinh ra tham nhũng vặt rất nhiều. Thế cho nên, mặc dù hộ kinh doanh gia đình chiếm đến hơn 30% GDP nhưng mới đóng góp 1,56% cho ngân sách.

Do đó, trước tiên cần quản lý chặt chẽ việc đăng ký hộ kinh doanh ở phường, quận huyện. Phải làm rõ quy chế và tiêu chuẩn của hộ kinh doanh cá thể, tránh trường hợp các hộ kinh doanh trá hình để trốn thuế. Đặc biệt, cần có quy chế thích hợp cho hộ kinh doanh chẳng hạn như, những hộ gia đình kinh doanh hàng phở, ăn uống, khi đăng ký kinh doanh sẽ có cơ quan thuế đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và lắp máy thu tiền kết nối với cơ quan thu thuế, khi bán sản phẩm nào cũng bấm vào máy đó. Cơ quan thu thuế sẽ thu trực tiếp mà không cần phải thu thuế khoán như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nhiều hộ kinh doanh không đủ sức lên doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Trước tiên cần nghiên cứu và đánh giá tương đối đầy đủ bức tranh hộ kinh doanh hiện nay về vấn đề phát triển, những vướng mắc và cả những khía cạnh chưa lành mạnh đó là trốn thuế. Đối với những hộ kinh doanh có quy mô lớn thì bắt buộc họ chuyển lên làm doanh nghiệp là cần thiết.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, trong đó, hộ kinh doanh gia đình chiếm phần lớn vì đây là khu vực đông đảo nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ vẫn hoạt động hoàn toàn hợp pháp chứ không phải là phi pháp, ít nhiều cũng là chính thức bởi vì chúng ta đã từng công nhận hình thức hộ kinh doanh gia đình chứ không hoàn toàn là phi chính thức.

Tôi không nghĩ là cùng một lúc đưa tất cả 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được, điều này hoàn toàn phi thực tế. Có những hộ kinh doanh không đủ sức để trở thành doanh nghiệp chính thức. Một hình thức như vậy sẽ quá nặng nề với họ. Ngay ở những nước tiên tiến nhất trên thế giới, có luật pháp và quản trị rất tốt, đời sống văn minh cũng vẫn tồn tại hộ kinh doanh. Cớ gì Việt Nam đang trong điều kiện kinh tế còn khó khăn đã muốn vội vã đưa tất cả hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Đừng ép họ lên làm doanh nghiệp. Một bản khai thuế phức tạp sẽ đẩy những người không có khả năng đáp ứng lánh sang làm việc khác và tìm cách gian lận, trốn thuế. Do vậy, các cơ quan nhà nước phải nhìn vào thực tế chứ đừng muốn quản mọi thứ - sẽ không thể quản được. Nếu hộ gia đình cũng phải chịu gánh nặng về phòng cháy, chữa cháy, bảo hiểm, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước thì đây là cách đuổi hết họ ra khỏi thị trường.

Như vậy, cùng với số phận của những người chủ thì những người làm việc cho họ sẽ không còn việc làm. Hiện nay, hộ kinh tế gia đình đóng góp hơn 30%GDP và hơn 30% số việc làm cho người dân nên vai trò hộ kinh doanh rất quan trọng. Nếu gây khó cho họ thì tương lai Nhà nước lấy cách gì để tạo việc làm cho họ và tạo tăng trưởng GDP cho đất nước.

Do vậy, về cơ bản, cần thiết kế chính sách theo cách ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh gia đình phát triển theo năng lực; phần nào ép buộc những hộ kinh doanh lớn phải đăng ký chính thức thành doanh nghiệp. Về lâu dài, cơ quan nhà nước nên “nương tay” để người dân sống và hoạt động được.

Khi chúng ta kêu gọi công nghiệp 4.0, tự động hóa... khiến những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ trong tương lai khó có thể tiếp tục tồn tại, người dân rất khó khăn để có một công việc nuôi sống mình. Khu vực này sẽ là bệ đỡ, làm nền cho những người lao động mất việc làm để họ không rơi vào tình trạng quẫn bách. Hộ kinh doanh có nhiều mặt tốt cả về mặt xã hội và mặt kinh tế, cho nên hãy tạo điều kiện và trân trọng họ. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Đừng thúc hộ kinh doanh “chín ép”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Trước thực tế có thể không đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, việc đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là một giải pháp mà các cơ quan đang hướng đến. Thế nhưng, vì thế mà buộc hộ kinh doanh lên làm doanh nghiệp là không thỏa đáng.

Các nhà quản lý và hoạch định chính sách phải từ bỏ tư duy buộc hộ kinh doanh cá thể “chín ép”. Phải suy nghĩ một cách tích cực và vì người dân chứ không cưỡng chế, cưỡng ép họ được bởi vì hộ kinh doanh gia đình đã được công nhận và được ghi trong luật. Chúng ta chỉ nên khuyến khích bằng cách cho họ thấy được nhiều lợi ích hơn khi lên doanh nghiệp.

Để khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố. Trước hết phải tính đến nhận thức và tâm lý của người dân rất sợ lập doanh nghiệp sẽ bị hành thuế, vì vậy việc tuyên truyền rất quan trọng để khắc phục được tâm lý này. Hai là, phải bảo đảm các điều kiện pháp lý thật đơn giản, thuận lợi như về thủ tục, báo cáo kế toán... bởi hộ kinh doanh chỉ có 1 - 2 người mà nhiều các thủ tục, chi phí thì họ lên doanh nghiệp làm gì. Ba là, Nhà nước cần có những chính sách thực sự hỗ trợ những hộ chuyển lên doanh nghiệp để họ cảm thấy nếu đăng ký lên doanh nghiệp họ được nhiều hơn mất, chẳng hạn như tín dụng vay được rẻ hơn, đất được tiếp cận lâu dài hơn... Và đặc biệt xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thuế.