Phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra


Mục tiêu đến năm 2020, cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp theo lộ trình Chính phủ đề ra, cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể hoạt động, thúc đẩy họ chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặc dù vậy, phần lớn các hộ kinh doanh vẫn chưa "mặn mà" với việc chuyển đổi. Nguyên nhân cơ bản là nhiều hộ kinh doanh còn “ngại chuyển đổi”, chưa hiểu rõ được những lợi ích của việc chuyển đổi; chưa tận dụng được hết các ưu đãi hỗ trợ từ chính sách và thực tế vẫn còn những vướng mắc, khó khăn khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp…

Vì sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp?

Việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp (DN) không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Thực tế, vấn đề hộ kinh doanh đã được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và buộc phải đăng ký kinh doanh theo Luật DN. Trong cả 3 Luật DN (1999, 2005, 2014) đều quy định cụ thể định danh loại hình này dưới tư cách một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh là một loại hình hoạt động hợp pháp, bình đẳng với các loại hình khác như DN tư nhân.

Trong một số trường hợp, hộ kinh doanh được ví như một DN tư nhân siêu nhỏ, là một tổ chức kinh doanh có quyền tự do kinh doanh nhưng lại không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản. Sự tồn tại của hình thức này mang yếu tố lịch sử khi đây là một giải pháp thay thế cho DN tư nhân trong suốt thời kỳ dài không muốn thừa nhận các công ty, DN tư nhân. Dù sau đó, các hình thức công ty, DN tư nhân đã được thừa nhận, tuy nhiên, mô hình hộ kinh doanh vẫn tiếp tục được duy trì như một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Trong số đó, khoảng 80% hộ kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành Thương mại dịch vụ, trong đó, tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).

Với quy mô hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ DN đã, đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế. Vì vậy, nếu “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động, tạo sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh... Tuy nhiên, trên thực tế các hộ kinh doanh không mặn mà, thậm chí ngại chuyển đổi thành DN.  

Về bản chất hộ kinh doanh và DN vừa và nhỏ là một, nhưng hiện nay còn phân biệt chính sách, còn nhiều hạn chế so với DN. Cụ thể, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn khác… Bên cạnh đó, hạn chế về ngành nghề kinh doanh và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế huy động vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề, chủ yếu là sử dụng vốn từ chính thành viên tham gia.

Mặt khác, mô hình hộ kinh doanh còn thể hiện sự kém minh bạch, tính đại chúng, huy động vốn để phát triển của hộ kinh doanh, kèm theo đó là những vấn đề liên quan đến các biện pháp chế tài, thực thi, bảo vệ lợi ích hợp pháp khi có sự cố… đều không thuận lợi so với pháp nhân là DN.

Thực tiễn, có những hộ hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm và số lượng sử dụng hóa đơn rất nhiều nhưng vẫn không chuyển đổi thành DN. Hoạt động của hộ kinh doanh, không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản nên dễ xảy ra những trường hợp không minh bạch, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Lý do hộ kinh doanh nên chuyển sang doanh nghiệp?

Nguyên nhân khiến phần lớn hộ kinh doanh chưa muốn chuyển đổi thành DN là do nhận thức của các chủ hộ về mô hình hoạt động của DN còn chưa đầy đủ, phức tạp hóa vấn đề và cho rằng họ phải trải qua các thủ tục phức tạp. Trên thực tế, khi chuyển sang DN, hộ kinh doanh hưởng nhiều lợi thế, cụ thể như:

Thứ nhất, được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí: Luật Hỗ trợ DN nhò và vừa năm 2017 đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN như: Miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai. Để được hưởng loạt hỗ trợ nêu trên, hộ kinh doanh phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Thứ hai, có tư cách pháp nhân, được vay vốn ngân hàng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 20/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, khách hàng vay vốn tại các ngân hàng là pháp nhân, cá nhân. Trong khi đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên đây là một hạn chế đối với hộ kinh doanh khi muốn vay vốn tại ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; DN (trừ DN tư nhân) có tư cách pháp nhân và có quyền thực hiện giao dịch vay vốn tại ngân hàng.

Thứ ba, được thuê nhiều lao động: Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/215 của Chính phủ về thành lập DN, quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN theo quy định. Do đó, nếu muốn mở rộng kinh doanh thì hộ kinh doanh phải thuê nhiều lao động hơn và như vậy là sẽ vi phạm pháp luật. Với mô hình DN, pháp luật hiện hành không hạn chế số lượng người lao động trong DN. Ngoài các quy định trên, hộ kinh doanh chuyển sang DN còn được mở nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện; Khi kinh doanh thua lỗ được áp dụng quy định của Luật Phá sản…

Lợi thế khi chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Năm 2018, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động kinh doanh, trong đó có sự đổi mới về thủ tục thành lập DN cùng các chính sách ưu đãi đối với các DN nhỏ và vừa… Sự đổi mới này được thể hiện cụ thể qua Luật DN và các văn bản liên quan. Hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN sẽ được hưởng nhiều lợi thế, cụ thể như:

Môt là, giảm lệ phí đăng ký DN: Trong nhiều năm trở lại đây, mức lệ phí đăng ký thành lập DN 200 nghìn đồng/lần. Tuy nhiên, từ ngày 20/01/2018, mức lệ phí nêu trên đã giảm một nửa, chỉ còn 100 nghìn đồng/lần. Quy định này được cụ thể hóa tại Thông tư số 130/2017/TT-BTC, ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính sửa, đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin DN, lệ phí đăng ký thành lập DN. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu.

Phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Hai là, đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN: Khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập DN, tổ chức, cá nhân sẽ không còn phải nộp bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Trong giấy đề nghị đăng ký DN, các thông tin về “địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác” của chủ DN hoặc người đại diện theo pháp luật của DN sẽ được thay thế bằng một thông tin duy nhất là số định danh cá nhân.

Ba là, không còn phải nộp tờ khai mẫu 06/GTGT: Theo quy định, trước đây DN mới thành lập phải nộp mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế để đăng ký áp dụng các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng. Trường hợp không gửi mẫu 06/GTGT thì kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Tuy nhiên, từ ngày 05/11/2017, Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017, của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 4, Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 13/12/2013 và bãi bỏ khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013/TT-BTC đã bỏ quy định nêu trên. Do đó, các DN mới thành lập từ thời điểm này không phải nộp tờ khai mẫu 06/GTGT.

Bốn là, được hưởng nhiều ưu đãi từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Ngày 01/01/2018, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, những DN nhỏ và vừa đã được thành lập và cả những DN thành lập mới được hưởng hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Cụ thể như: DN được hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, phát triển nhân lực… Riêng hộ kinh doanh chuyển thành DN được miễn, giảm thuế thu nhập DN; Miễn, giảm tiền sử dụng đất; Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm…

Năm là, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ còn 3 ngày: Theo Luật DN, hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN được xem xét, giải quyết chỉ trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trước đó, tại Luật DN 2005, thời gian xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 10 ngày làm việc.

Sáu là, DN được tự chủ về con dấu: Theo Điều 44 của Luật DN 2018, DN được tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Tuy nhiên, phải đảm bảo các thông tin về tên DN, mã số DN phải có trên con dấu; trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Như vậy, con dấu DN không còn là điều bắt buộc, mang giá trị pháp lý như trước mà chỉ mang tính chất nhận diện DN, giúp các DN tin tưởng nhau khi ký kết, thực hiện giao dịch.

Bên cạnh các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho DN thành lập mới trên, tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành DN. Cụ thể, hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành DN được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí.

Không chỉ vậy, các DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cũng được miễn nhiều loại phí như: Đăng ký DN lần đầu; công bố nội dung đăng ký DN lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia; phí thẩm định và cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Cũng theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị DN cho DN nhỏ và vừa. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, như hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới...

Giải pháp thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Nhìn chung, chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN sẽ nâng cao vị thế, điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, đảm bảo tính chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh và tận dụng được các ưu đãi, hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang DN cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. Hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Về khung pháp lý, cần phải củng cố phần này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán, đảm bảo các điều luật như Luật DN, Luật về thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, việc sử dụng lao động, luật khoa học công nghệ… không bị “chồng chéo”. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách chung đã được nêu trong Nghị quyết số 10/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 06/02/2017 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tích cực triển khai thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các luật pháp có liên quan.

Thứ hai, tiếp tục có chính sách giảm chi phí, tạo thuận lợi về chế độ kế toán, thuế và thêm mô hình tổ chức đơn giản, thuận tiện... Theo đó, cần ban hành một chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; Cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành DN được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, số lao động, địa bàn; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hộ kinh doanh hiểu rõ được những lợi ích của việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN...  

Thứ ba, tiếp tục đẩy cải cách công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, trong đó, quy định tiêu chí xác định hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để áp dụng hình thức quản lý thuế phù hợp đảm bảo khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong môi trường kinh doanh. Cụ thể như:

Một là, áp dụng chế độ kế toán đơn giản tương ứng với DN nhỏ, siêu nhỏ; áp dụng chế độ hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử. Việc phân loại này sẽ chế tối đa sự lợi dụng mô hình hộ kinh doanh nhằm mục đích trốn thuế, tạo khuôn khổ pháp lý về thuế thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi thành DN.

Hai là, phân loại hộ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ có giao dịch thanh toán bằng tiền mặt với người tiêu dùng để áp dụng các biện pháp không dùng tiền mặt trong giao dịch kinh doanh bán lẻ, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí... Trên cơ sở đó cần có biện pháp quản lý đối với việc bán hàng phải xuất hoá đơn, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử, kết nối thông tin doanh thu bán hàng thông qua máy tính tiền hoặc các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán.

Ba là, phân loại hộ kinh doanh quy mô nhỏ để áp dụng hình thức thuế khoán, tăng cường tính minh bạch, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa việc khoán thuế không sát thực tế, hạn chế tối đa việc phát sinh thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế gây bất bình trong xã hội. Mặt khác, cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, đối với các DN siêu nhỏ, các hộ, cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế. Việc mở rộng hạch toán kế toán đối với các DN tư nhân, các hộ, cá nhân kinh doanh là cần thiết.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu ban hành chế độ kế toán cho các DN siêu nhỏ và hộ gia đình nhằm tạo cơ chế quản lý minh bạch. Thực tế hiện nay, các DN tư nhân (không phải là DN siêu nhỏ), các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn là giải pháp cần thiết. Cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, các DN Việt Nam, các hộ kinh doanh cải thiện công tác quản trị tài chính hoặc chế độ kế toán sẽ chuyển sang cơ chế tự khai tự nộp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp các năm 1999, 2005, 2014, 2018;
  2. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  4. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017; Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017;
  5. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (2018), Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ DN khởi nghiệp, ngày 23/5/2018;
  6. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2017), Báo cáo “Chính thức hóa” hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách;
  7. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.