Một số vấn đề về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ
Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 300 nghìn hộ kinh doanh dịch vụ. Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh dịch vụ nói riêng còn tồn tại nhiều hạn chế, dẫn tới số thu thuế chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của hộ kinh doanh dịch vụ (chỉ chiếm khoảng 1,6% nguồn thu ngân sách nhà nước).
Do vậy, việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ là vấn đề đang đặt ra. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh lĩnh vực này, bài viết đưa ra một số bài học cho Việt Nam.
Đặc điểm của hộ kinh doanh dịch vụ
Hộ kinh doanh là bộ phận kinh tế năng động và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, do có những đặc thù về sở hữu; quy mô hoạt động kinh doanh, trình độ quản lý; ý thức tuân thủ pháp luật nên tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế đối với đối tượng này.
Hộ kinh doanh dịch vụ cũng có các đặc điểm của hộ kinh doanh đồng thời có một số đặc điểm riêng biệt, cụ thể như:
- Về đặc điểm về sở hữu: Do đặc thù của ngành dịch vụ, khó xác định được giá trị hàng hóa một cách chính xác, vì sản phẩm của kinh doanh dịch vụ phần lớn là tài sản vô hình nên việc xác định doanh thu của hộ cá nhân kinh doanh đó là vô cùng khó khăn.
- Về quy mô kinh doanh, trình độ chuyên môn, quản lý: Tuy chỉ là một ngành trong kinh doanh hộ cá nhân nhưng số lượng hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ là khá lớn tập trung vào các lĩnh vực như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke, dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy... Với quy mô nhỏ, hộ kinh doanh dịch vụ là thành phần kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường kinh doanh.
- Về ý thức tuân thủ pháp luật thuế: Các hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ đã có ý thức chấp hành tuần thủ pháp luật về việc chủ động kê khai cũng như nộp thuế cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại hạn chế bởi tính đặc thù của ngành dịch vụ là khó xác định doanh thu, chi phí nên đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Yêu cầu tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ là cấp thiết bởi những lý do sau:
Một là, quản lý thuế có vai trò quyết định trong việc đảm bảo nguồn thu từ thuế được tập trung, chính xác, kịp thời, thường xuyên, ổn định vào NSNN. Thông qua việc lựa chọn áp dụng các biện pháp quản lý thuế có hiệu quả, cũng như xây dựng và áp dụng quy trình, thủ tục về thuế hợp lý, cơ quan thuế đảm bảo thu thuế đúng luật, đầy đủ, kịp thời vào NSNN.
Hai là, thông qua hoạt động quản lý thuế góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các quy định về quản lý thuế. Những điểm còn bất cập trong chính sách thuế và khiếm khuyết trong các luật thuế được phát hiện trong quá trình áp dụng luật vào thực tiễn và qua các hoạt động quản lý thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý điều hành thực hiện pháp luật đề xuất bổ sung, sửa đổi các luật thuế.
Bảng 1: Hệ thống thuế khoán theo đặc điểm hộ kinh doanh ở Tây Ban Nha |
|||
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Thu nhập năm trên đơn vị (EUR) |
|
1 |
Lao động được trả lương |
Người |
3.438 |
2 |
Những người không lương |
Người |
15.434 |
3 |
Năng lượng tiêu thụ |
KW |
192 |
4 |
Thiết bị loại A |
Chiếc |
1.028 |
5 |
Thiết bị loại B |
Chiếc |
3.636 |
Ba là, hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên các địa bàn. Với sự phát triển nhanh chóng của hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ đã tạo nên sự thay đổi quan trọng đối với nhiều vùng nông thôn, góp phần tạo sự phát triển cân bằng giữa nông thôn và thành thị, đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.
Bốn là, hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ huy động được một khối lượng lớn vốn từ người dân, khai thác tiềm năng, sức sáng tạo trong dân, thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tuy quy mô hoạt động nhỏ nhưng lại thu hút được nguồn vốn nằm rải rác trong dân, tận dụng triệt để được cơ sở hạ tầng như đất đai, nhà cửa… Đây là môi trường phát huy khả năng sáng tạo, tính năng động, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh của người lao động.
Năm là, với ưu thế tận dụng các nguồn lực hiện có của từng cá nhân, hộ gia đình, hộ cá nhân kinh doanh đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, sử dụng số lượng lớn lao động phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, đóng góp tích cực cho hoạt động xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho xã hội.
Những vấn đề đặt ra trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ
Do số lượng hộ kinh doanh lớn nên chi phí quản lý cao, phương pháp tính thuế còn nhiều kẽ hở dẫn tới gian lận. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh dịch vụ nói riêng cần giải quyết những vấn đề sau:
Tăng thu ngân sách nhà nước nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh
Các hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ góp phần làm tăng thu NSNN. Ngược lại, Nhà nước cấp ngân sách để cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cho các hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ. Do đó, trên thực tế các hộ, cá nhân kinh doanh được hưởng lợi từ việc nộp thuế.
Tuy nhiên, do việc sử dụng tài sản công đóng vai trò mờ nhạt và chỉ mang tính gián tiếp còn việc nộp thuế lại ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của các hộ, cá nhân nên các hộ, cá nhân chỉ quan tâm đến việc mình phải nộp bao nhiêu thuế.
Trong quá trình quản lý xây dựng chính sách thuế, việc tạo ra một gánh nặng thuế quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ; Làm kìm hãm sự phát triển và hạn chế sự tăng trưởng của cơ sở thuế, từ đó dẫn đến thất thu ngân sách. Vì thế, việc Nhà nước giảm bớt gánh nặng thuế, nuôi dưỡng nguồn thu sẽ vừa đem lại lợi ích thu ngân sách vừa tạo điều kiện cho cách cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ phát triển.
Tăng cường quản lý nhưng phải đảm bảo khuyến khích phát triển kinh tế hộ nhằm hướng tới lợi ích xã hội
Hộ cá nhân kinh doanh là thành phần kinh tế năng động, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hoạt động. Thành phần tham gia hộ kinh doanh phức tạp, có hộ kinh doanh chuyên nghiệp, có người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nông dân lúc nông nhàn, các đối tượng chính sách kinh doanh, thậm chí có cả cán bộ, công chức nhà nước kinh doanh để cải thiện đời sống. Bộ phận này không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp cho NSNN mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh xã hội. Vì vậy, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh dịch vụ nói riêng cần đảm bảo đồng thời hai mục tiêu: tăng thu NSNN và khuyến khích phát triển kinh tế hộ.
Minh bạch hóa thể chế và quản lý thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ
Bảng 2: Hệ thống thuế khoán của Kazakhstan |
|
Doanh thu trong 1 quý (KZT) |
Thuế suất |
Đến 10 triệu KZT |
3% tổng doanh thu |
Từ 10–15 triệu KZT |
225000 KZT cộng 5% tổng doanh thu vượt quá 10 triệu KZT |
Từ 15–22,5 triệu KZT |
600000 KZT cộng 7% tổng doanh thu vượt quá 15 triệu KZT |
Các cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ có quy mô về nguồn vốn, tài sản và lợi nhuận không hề thua kém các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực khác như thương mại, sản xuất. Doanh thu hàng năm có thể lên tới hàng tỷ đồng và đóng góp lớn cho thu NSNN. Tuy nhiên, quản lý thuế đối với bộ phận này lại gặp khó khăn hơn nhiều so với quản lý thuế của các hộ kinh doanh thương mại, sản xuất, do các hộ kinh doanh dịch vụ nộp thuế chủ yếu theo hình thức thuế khoán nên sẽ dẫn đến tình trạng gian lận trong các hóa đơn chứng từ.
Chính vì thế, để tăng thu ngân sách và tăng tính công bằng, cần nâng cao công tác quản lý đối với hộ kinh doanh dịch vụ. Quản lý thuế cần siết chặt đối với hộ kinh doanh dịch vụ. Cơ quan quản lý cần tăng cường tính minh bạch trong các hồ sơ kê khai thuế, đồng thời giám sát chặt chẽ các cán bộ phụ trách thu thuế.
Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ trên thế giới và bài học cho Việt Nam
Hệ thống thuế khoán theo đặc điểm hộ kinh doanh
Hệ thống thuế khoán này sẽ căn cứ vào đặc điểm của kinh doanh như diện tích mặt bằng, số lượng lao động, thiết bị máy móc mà hộ kinh doanh sử dụng để ước lượng thu nhập giả định. Trên cơ sở thu nhập giả định, cơ quan thuế sẽ tính số thuế mà hộ kinh doanh phải nộp. Bên cạnh đó, lượng năng lượng tiêu thụ cũng được sử dụng là để xác định thu nhập giả định của hộ kinh doanh.
Ví dụ, hệ thống thuế khoán ở Tây Ban Nha áp dụng cho các nhà hàng căn cứ vào số lượng lao động, thiết bị sử dụng và lượng năng lượng tiêu thụ để xác định thu nhập giả định. Theo đó, nếu một nhà hàng hoạt động với một người chủ và một lao động được trả lương, năng lượng tiêu thụ là 100kw và một máy móc loại B sẽ có thu nhập giả định là 41.709 EUR (3.438 + 15.434 + 100x192 + 3.636). Thuế suất của thuế khoán là 25% thì số thuế khoán mà nhà hàng phải nộp là 10.427 EUR.
Thuế khoán dựa vào đặc điểm của hộ kinh doanh đòi hỏi sự tỷ mỷ trong quản lý của cơ quan quản lý, đặc biệt là năng lượng tiêu thụ rất sát với thực trạng kinh doanh của hộ kinh doanh dịch vụ. Chính vì vậy, số thuế khoán theo phương pháp này rất phù hợp với quy mô của hộ kinh doanh dịch vụ.
Mức thuế khoán lũy tiến theo doanh thu
Mức thuế khoán lũy tiến theo doanh thu đang được áp dụng tại Kazakhstan. Trong trường hợp này, các hộ kinh doanh khác nhau sẽ được đối xử như nhau, tuy nhiên thuế suất sẽ tăng theo mức doanh thu của hộ kinh doanh.
Thuế suất luỹ tiến dựa trên doanh thu có lợi thế hơn so với thuế cơ bản dựa trên doanh thu đồng nhất, bởi nó sẽ giảm sự chênh lệch trong gánh nặng thuế giữa nhóm hộ kinh doanh chịu hệ thống thuế khoán và nhóm hộ kinh doanh chịu hệ thống thuế thông thường.
Vì vậy, nó khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi từ hệ thống khoán sang hệ thống thông thường. Tuy vậy, một hạn chế vẫn tồn tại trong hệ thống thuế khoán này là phương pháp xác định doanh thu của hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh luôn tìm cách hối lộ cán bộ thuế để xác định mức doanh thu thấp hơn so với thực tế.
Những kinh nghiệm có thể áp dụng ở Việt Nam
Qua bài học kinh nghiệm quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ nêu trên và thực trạng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thuế khoán lũy tiến theo doanh thu. Nhiều hộ kinh doanh ở Việt Nam có doanh thu hàng năm lên tới hơn trăm tỷ đồng nhưng chưa chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Do vậy, công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, gây thất thoát cho NSNN. Việc áp dụng hệ thống thuế khoán lũy tiến theo doanh thu sẽ khuyến khích những hộ kinh doanh có doanh thu lớn phát triển thành doanh nghiệp, nộp thuế theo hệ thống thuế áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp.
Thứ hai, sử dụng hóa đơn tiền điện, nước của hộ kinh doanh làm căn cứ xác định doanh thu đối với loại hình kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn; sử dụng số lượng lao động là căn cứ để xác định doanh thu đối với các hộ kinh doanh dịch vụ khác. Do tính chất của ngành kinh doanh dịch vụ nên chi phí điện, nước, số lượng lao động sẽ phản ảnh đúng quy mô hộ kinh doanh. Vì vậy, việc căn cứ vào đặc điểm của hộ kinh doanh để xác định doanh thu sẽ phù hợp hơn so với phương thức xác định doanh thu hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư số 156/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013;
- Ngô Thị Thu Hà, Đinh Văn Linh, Hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 5/2016;
- Hòa, P. X. (n.d.), Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh nhỏ và vừa ở Việt Nam, Hà Nội;
- Macculoch, F. (n.d.). Government administrative burdens on SMEs in East Africa: reviewing issues and actions;
- Joshua Abor, Peter Quartey, "Issues in SME Development ò Ghana and South Africa," International Research Journal of Finance, p. 11, 2010.