Khuyến khích người nộp thuế tích cực sử dụng dịch vụ công điện tử

Theo baohaiquan.vn

Để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện Chính phủ điện tử, đối với ngành Thuế cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban, ngành và cần có cơ chế khuyến khích ưu đãi người nộp thuế khi sử dụng các dịch vụ công điện tử

Hiện ngành Thuế đang tích cực nghiên cứu, thí điểm và triển khai các loại hình dịch vụ thuế điện tử mới. Nguồn: PV.
Hiện ngành Thuế đang tích cực nghiên cứu, thí điểm và triển khai các loại hình dịch vụ thuế điện tử mới. Nguồn: PV.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến 30-11, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tại 63 Cục Thuế và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc. Hiện cả nước đã có trên 567.784 DN kê khai qua mạng, đạt 99,7% DN đang hoạt động. Ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 35,5% triệu hồ sơ khai thuế điện tử.

Ngoài ra, với việc triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, đến nay đã có 96,7% DN đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan Thuế và trên 93,7% DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng với tổng số tiền nộp thuế điện tử trong năm 2016 là trên 404,6 tỷ đồng.

Hiện ngành Thuế đang tích cực nghiên cứu, thí điểm và triển khai các loại hình dịch vụ thuế điện tử mới như: Hoàn thuế điện tử; kê khai, nộp thuế điện tử đối với cho thuê nhà, nộp thuế điện tử từ chuyển nhượng nhà đất; nộp thuế điện tử với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; xây dựng hệ thống cấp hóa đơn điện tử có mã xác thực…

Để đạt được những con số ấn tượng đó, ngành Thuế đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Theo bà Nguyễn Thu Trà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, khó khăn đầu tiên về phía ngành Thuế đó là thời gian đầu hạ tầng kỹ thuật mạng có sự cố, quá tải ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đến nay, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đã được khắc phục, đáp ứng được số lượng lớn DN tham gia khai, nộp thuế điện tử.

Ngoài ra, khó khăn khác đến từ phía DN do trình độ về công nghệ thông tin tại một số DN còn thấp, nên việc thực hiện khai thuế điện tử còn nhiều lúng túng. Điều kiện áp dụng công nghệ thông tin (máy tính, đường truyền…) cũng ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ thuế điện tử.

Thực tế cũng cho thấy, tâm lý DN vẫn muốn kê khai bằng giấy và đến nộp tiền trực tiếp tại cơ quan Thuế, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước... để nắm thêm thông tin về chính sách thuế. Ngoài ra, một số DN không muốn thay đổi phương thức khai, nộp thủ công sang điện tử vì phải chi phí cho việc mua chứng thư số và dịch vụ tư vấn an ninh.

Bà Nguyễn Thu Trà cho biết: “Đứng trước những khó khăn, thách thức nêu trên, lãnh đạo cũng như cán bộ ngành Thuế luôn kiên trì, cố gắng và nỗ lực thuyết phục DN tham gia sử dụng dịch vụ; đồng thời tìm mọi giải pháp kỹ thuật, để cải tiến chất lượng của hệ thống dịch vụ. Phương châm làm việc của cán bộ cũng phải thay đổi trong tư thế sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ người nộp thuế 24/7 trong các thời gian cao điểm" - bà Trà cho biết.

Tuy nhiên để việc cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế hiệu quả và thuận tiện hơn, đại diện cơ quan Thuế kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành cung cấp các dịch vụ điện tử đồng bộ, để người dân có thể thực hiện các dịch vụ công điện tử tại tất cả các khâu.

Bên cạnh đó, cần có quy định chung về tính hợp pháp, hợp lệ của các giấy tờ điện tử để tránh trường hợp người nộp thuế sử dụng các hồ sơ, chứng từ điện tử đã áp dụng tại cơ quan Thuế vẫn phải cung cấp, giải trình hồ sơ bản giấy với các đơn vị, bộ, ngành khác. Việc này dẫn đến khó khăn, tăng thủ tục, thời gian và chi phí cho người nộp thuế và xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ nên có các cơ chế khuyến khích hoặc ưu đãi cụ thể cho người dân nói chung và người nộp thuế nói riêng đã tích cực sử dụng các dịch vụ công điện tử để tạo động lực thúc đẩy môi trường kinh doanh trong nước được sâu rộng và thiết thực.