Khuyến khích tư nhân đầu tư y tế dành cho người cao tuổi

Theo Phương Thảo/enternews.vn

Người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam đang đặt ra thách thức rất lớn về đầu tư y tế đối với nhóm người này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Người cao tuổi (60 tuổi trở lên) tại Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao (73,6 tuổi năm 2019), nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi). Đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y, bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền,

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. "Việc  phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra" - PGS.,TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh

Người già là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cao
Người già là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cao

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có 106 khoa Lão đã được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Một số tỉnh hiện vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa Lão còn thiếu; bác sĩ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…

Báo cáo từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với số người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số, đến năm 2018 đã tăng lên 11,95%. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là trên 25%, tức là cứ 4 người dân sẽ có một người cao tuổi.

Báo cáo này cũng chỉ ra, hiện có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, tuy nhiên, xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi không sống cùng con cháu sẽ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn người cao tuổi …

Dân số già của Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) sẽ tiếp tục tăng và đạt trên 25% vào khoảng 2050
Dân số già của Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) sẽ tiếp tục tăng và đạt trên 25% vào khoảng 2050

Dù nhìn ở góc độ nào cũng không thể xem người cao tuổi là một gánh nặng xã hội. Những nền tảng vật chất mà người cao tuổi đã lao động và cống hiến trong thời kỳ trước đây, cũng như những giá trị tinh thần mà họ làm chỗ dựa cho xã hội là không thể phủ nhận. Hơn nữa, dân số trong mọi độ tuổi đều tạo ra những nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Dân số già hóa cũng tạo ra các nhu cầu như dinh dưỡng, nhu cầu nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của người cao tuổi, đặc biệt là nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) cho rằng, già hóa dân số sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với Chính phủ trong việc đảm bảo các chính sách an sinh cho người già. Các chính sách này không thể chỉ trông cậy vào trợ cấp ngân sách của Chính phủ, mà cần tạo cơ chế đồng chi trả, tức là huy động sự tham gia rộng rãi của xã hội, các thành phần kinh tế, khu vực tư nhân để cung cấp phúc lợi tốt hơn cho người già.Chính phủ cần chủ động xây dựng, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư mạng lưới y tế dành cho người già, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già; khuyến khích các mô hìnhquỹ hưu trí tư nhân và các quỹ bảo hiểm y tế dành cho người già… Bên cạnh đó, cần các chính sách khuyến khích lối sống lành mạnh, thực phẩm an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các nghiên cứu y học tuổi già” – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đưa ra quan điểm.