Thụy Sĩ - hình mẫu của Anh hậu Brexit?

Theo daibieunhandan.vn

Chỉ hai ngày nữa, tại Vương quốc Anh sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU. Những người ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU) đang hy vọng Anh sẽ trở thành một đất nước độc lập, trung lập như Thụy Sĩ - quốc gia vừa rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tuần trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thêm một động lực

Những người ủng hộ Brexit tuần qua lại vừa có thêm một động lực để thúc đẩy cuộc ly hôn giữ Anh và EU. Ngày 15.6, Thượng viện Thụy Sĩ đã quyết định rút đơn xin gia nhập khối liên minh 28 nước sau 24 năm tranh cãi. Thụy Sĩ đệ đơn gia nhập EU, lúc bấy giờ là Khối Liên minh Kinh tế châu Âu từ năm 1992, tuy nhiên sau đó cử tri Thụy Sĩ đã phản đối quyết định trên do lo ngại việc gia nhập EU sẽ đe dọa chủ quyền và tính trung lập của quốc gia này.

Phát biểu tại một cuộc gặp mặt giữa những người Anh ở Thụy Sĩ và những người Thụy Sĩ gốc Anh tổ chức tại Geneva, một người ủng hộ Brexit cho rằng, có thể nói việc Thụy Sĩ tồn tại “khỏe mạnh” ngoài tầm kiểm soát của EU là một huyền thoại. Mặc dù vậy, Thụy Sĩ đã chấp nhận giao dịch thương mại tự do với các nước trong khối từ những năm 1970 và miễn thị thực cho công dân các quốc gia của liên minh theo Hiệp ước Schengen đã ký kết ngày 16.10.2004. Điều này đã giúp Thụy Sĩ vừa không bị bó buộc với những điều kiện thành viên của EU, vừa được hưởng lợi từ những Hiệp ước ngoài lề.

Việc rút đơn gia nhập EU của Thụy Sĩ sẽ trở thành động lực lớn cho những người ủng hộ việc Anh tách khỏi EU trong bối cảnh các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ cử tri muốn Anh ở lại khối đang có xu hướng gia tăng, đạt 45%, vượt tỷ lệ người ủng hộ Brexit hiện là 42%. Sự thay đổi này diễn ra vài ngày sau vụ sát hại nữ Nghị sĩ Công đảng Jo Cox, nhân vật vận động tích cực cho việc Anh ở lại EU.

Hình mẫu lý tưởng

Là quốc gia không giáp biển, thuộc khu vực Tây Âu nhưng không tham gia vào khối liên minh 28 nước, Thụy Sĩ nổi tiếng với châm ngôn “giữa hai con đường, chúng tôi chọn con đường thứ ba”. Nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ đã giúp quốc gia này tránh được các cuộc chiến tranh kể từ năm 1815 đến nay. Cũng vì lý do đó, Thụy Sĩ được chọn làm nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Theo dõi hoạt động của Liên Hợp Quốc (UN Watch)… và là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc hòa đàm nhằm giải quyết xung đột trên thế giới như đàm phán hòa bình Syria…

Không nằm trong EU, Thụy Sĩ độc lập vẫn phát triển bền vững và trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. So với các quốc gia khác cùng khu vực, số nợ công của Thụy Sĩ (ở mức 33% GDP) thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước thành viên EU là hơn 85%. Chính phủ Thụy Sĩ đã liên tục đưa ra các chính sách có hiệu quả để giảm chi tiêu công và tăng tính thận trọng trong giao dịch tài chính. Điều này đã đưa Thụy Sĩ trở thành quốc gia duy nhất ở châu Âu giảm nợ công thành công kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2007.

Mặc dù cắt giảm chi tiêu công nhưng Thụy Sĩ vẫn không từ bỏ đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng. Sau gần 2 thập kỷ xây dựng, 1.6 vừa qua, Thụy Sĩ đã cho ra mắt hầm đường sắt dài nhất thế giới mang tên Gotthard, dài 57km. Tuyến đường này dự kiến đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho Thụy Sĩ khi rút ngắn được quá trình vận chuyển hàng hóa bằng xe tải từ giữa miền Bắc và Nam Âu bằng hầm đường sắt cao tốc.

Việc không gia nhập EU còn cho phép Thụy Sĩ nằm ngoài Hiệp ước Maastricht và không phải chịu những cam kết về điều kiện thành viên như các quốc gia thuộc khối liên minh gồm lạm phát thấp, không vượt quá 1,5% so với mức trung bình của 3 nước có mức lạm phát thấp nhất; thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP; nợ nhà nước dưới 60% GDP và biên độ giao động tỷ giá giữa các đồng tiền ổn định trong hai năm theo cơ chế chuyển đổi (ERM); lãi suất (tính theo lãi suất công trái thời hạn từ 10 năm trở lên) không quá 2% so với mức trung bình của 3 nước có lãi suất thấp nhất.

Không bị áp lực từ Hiệp ước trên, Thụy Sĩ đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế. Hơn nữa, khi không nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, không tiêu cùng đồng euro như những nước khác, Thụy Sĩ đã không phải lo ngại về một sự sụp đổ lây lan như cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn tại Hy Lạp cách đây không lâu. Có lẽ cũng nhờ vậy mà Thụy Sĩ dễ dàng vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2009.

Đây chính là một phần động lực để người ủng hộ Brexit càng tin rằng sau khi tách khỏi EU, Anh vẫn có thể độc lập và thậm chí phát triển kinh tế hơn nhiều so với hiện tại.