Kịch bản nào cho tỷ giá?
Chuyên gia cho rằng, tỷ giá năm nay sẽ không có biến động lớn do lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, lãi suất đồng VND tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức cao.
Tính đến hôm nay, tiền đồng đã giảm khoảng 2,36% so với đồng USD trên thị trường OTC và giảm 1,51% trên thị trường liên ngân hàng. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và liên ngân hàng giảm về 0,85% từ mức đỉnh điểm là 0,90% trong vài tuần trước đó.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vài phiên gần đây cũng đã bắt đầu bán ra ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu và hạn chế biến động mạnh của tỷ giá USD/VND.
Dù lượng bán ra được cho không lớn, nhưng đánh dấu sự can thiệp chính thức của Nhà điều hành vào cung - cầu trên thị trường, sau khoảng một tháng tỷ giá USD/VND có biến động mạnh.
Để lượng hóa những tác động của các yếu tố lên tỷ giá, các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), cho rằng, điều mấu chốt ở đây là xem xét tỷ giá CNY/USD và chỉ số USD tính theo tỷ trọng thương mại ICE (mã DXY).
Theo đó, nếu tỷ giá CNY/USD giảm xuống dưới 6,7 và/hoặc DXY giảm dưới 97 sẽ kéo theo những tác động dây chuyền.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại ước tính khoảng 63 tỷ USD, tương đương 14 tuần nhập khẩu. Mức dự trữ đã được cải thiện so với những năm trước tuy nhiên với thực tế xuất khẩu tăng mạnh thì sự gia tăng ở đây là không đáng kể.
Trong khi đó, NHNN có vẻ sẵn sàng sử dụng dự trữ để bình ổn tỷ giá trong ngắn hạn.
“Giả định chỉ số ICE dao động trong khoảng 94-97 trong năm nay, HSC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2-2,5%, cao hơn mức dự báo ban đầu của chúng tôi là tăng 2% tuy nhiên vẫn nằm trong biên độ cho phép trong hiện tại”, các chuyên gia HSC cho hay.
Còn nhìn vào các yếu tố vĩ mô, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng, tỷ giá năm nay sẽ không có biến động lớn do lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, lãi suất đồng VND tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức cao.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có triển vọng đầu tư tốt.
TS. Nghĩa cho rằng, việc tỷ giá biến động như trong thời gian qua do có những tác động khách quan từ việc Fed tăng lãi suất hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, những biến động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN.
Theo giới chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc. Ưu tiên này thậm chí còn cao hơn cả mục tiêu hỗ trợ cho hàng xuất khẩu.
Theo đó, nếu phá giá mạnh VND sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VND, điều này đi ngược lại với định hướng của NHNN trong 3 năm qua. Thêm vào đó, rủi ro lạm phát đang tăng lên khá cao, nếu giảm giá mạnh VND sẽ càng khiến lạm phát tăng mạnh.
Trong khi đó, trước những biến động kinh tế thế giới gây áp lực lên thị trường ngoại hối, các chuyên gia tại ngân hàng Standard Chartered cho rằng, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn nhằm hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã tăng lãi suất.
Chính vì vậy, ngân hàng này dự báo lãi suất sẽ không thay đổi và đồng VND sẽ mất giá nhẹ trong năm 2018.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND sẽ tăng và đạt mức 22.950 đồng vào cuối quý III sau đó lên 23.000 đồng vào cuối năm nay.