Kịch bản nào cho VN-Index giữa căng thẳng Đông Âu?

Theo Khánh An/nhadautu.vn

Các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng thị trường sẽ ổn định trở lại trong các phiên tới khi lực cầu bắt đáy đã hoạt động rất tích cực trong phiên 24/2.

 Ảnh DSC
Ảnh DSC

Thị trường trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các tin tức địa chính trị thế giới, chỉ số chính có lúc đã mất gần 40 điểm trong phiên 24/2. Đà giảm sâu trong phiên cũng đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy khiến thanh khoản trên toàn thị trường gia tăng đột biến với 42.647 tỷ đồng, tăng 54% so với phiên 23/2. Nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón vẫn là điểm sáng khi giữ vững sắc xanh nhờ hưởng lợi từ đà tăng giá thế giới.

VN-Index chốt phiên 24/2 giảm 17,45 điểm, tương đương 1,15% xuống 1.494,85 điểm với 396 mã giảm và chỉ có 75 mã tăng. Ở các chỉ số thị trường khác, HNX-Index giảm 7,66 điểm (1,73%) xuống 434,88 điểm, còn UpCOM-Index giảm 1,19 điểm (1,05%) xuống 112,32 điểm. Tính tổng trên 3 sàn có 805 mã giảm (18 mã giảm sàn), áp đảo so với 263 mã tăng.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) cho biết, sự kiện xung đột giữa Nga và Ukraine về bản chất không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam, nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý mang tính liên thông giữa thị trường quốc tế với trong nước. Do đó có thể thấy thị trường thế giới cũng như Việt Nam trong phiên 24/2 đã có thời điểm giảm rất mạnh, nhưng điểm tích cực là đà hồi phục khá tốt về cuối phiên.

“Sự kiện Nga tấn công Ukraine giống như hiện tượng Thiên nga đen, nghĩa là ảnh hưởng nhanh và tạo biến động lớn nhưng đồng thời sẽ nhanh chóng kết thúc bởi đây chủ yếu chỉ là ảnh hưởng tâm lý. Thị trường sẽ sớm hồi phục bởi những thông tin liên quan đến vấn đề này. Đây là cơ hội để mua cổ phiếu tốt với giá rất rẻ trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán ra. Là cơ hội đối với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và tỉnh táo”, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, sau thông tin căng thẳng chính trị tại Đông Âu thì việc thị trường giảm điểm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên diễn biến tiêu cực này mang tính chất ngắn hạn bởi chủ yếu đây chỉ là ảnh hưởng tâm lý.

“Nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh này để gia tăng tỷ trọng danh mục với các mã cổ phiếu đầu ngành, tập trung vào các nhóm ngành đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới như dầu khí, phân bón và hóa chất. Ngược lại cũng có một số nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn do giá dầu tăng như logictics, vận tải và hàng không. Ngoài ra giai đoạn hiện tại dòng tiền cũng sẽ có xu hướng rút khỏi những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao”, chuyên gia Agriseco nhận định.

Trong báo cáo phân tích của mình, SHS đánh giá VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ kỹ thuật 1.485-1.490 điểm (MA20-50). Điều này cho thấy xu hướng tăng đã bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa chuyển sang pha tiêu cực. Và nếu như không có những leo thang trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong đêm 24/2 thì trong phiên giao dịch cuối tuần 25/2, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022).

Về phần mình, MBS cho rằng thị trường sẽ ổn định trở lại trong các phiên tới khi lực cầu bắt đáy đã hoạt động rất tích cực trong phiên 24/2. Yếu tố rủi ro lúc này vẫn đến từ sự bất định từ thị trường quốc tế, do vậy nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, bám chặt chiến lược dài hạn để loại bỏ những biến động mạnh như thời điểm hiện tại.