Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN 


Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 khi trình báo cáo quyết toán NSNN năm 2018.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN 
Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 11/6, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán.

Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng.

Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 khi trình báo cáo quyết toán NSNN năm 2018.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. Kết quả biểu quyết: có 443/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,53% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Nghị quyết giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2017 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc phân bổ, giao vốn, sử dụng, quản lý, quyết toán các công trình, dự án đầu tư công.

Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ, giao dự toán, điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí; ứng trước và thu hồi vốn ứng trước dự toán theo đúng quy định của Luật NSNN; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại NSNN.